DN nên giảm tỷ lệ vốn vay

16:00 | 28/03/2018

Ý kiến chung của những nhà chuyên môn đều cho rằng nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, không phụ thuộc vào dòng vốn vay sẽ là chiến lược tốt để các DN phát triển toàn diện lúc này.

Không dùng vốn vay để góp vốn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
Hiệu quả vốn vay ưu đãi ở Bố Trạch
Chỉ còn 3 trường hợp được giải ngân vốn vay bằng tiền mặt

Gần đây các chuyên gia kinh tế khuyến nghị DN thay vì trông chờ NH giảm lãi suất, nên cơ cấu lại tài chính để giảm tỷ lệ vay vốn NH. TS. Trần Du Lịch cho rằng áp lực mà DN vẫn còn gặp phải đó là lãi suất năm 2018 có thể sẽ không giảm như kỳ vọng. Năm ngoái, lãi suất đã có mức giảm nhất định, năm nay nếu giữ ổn định lãi suất được như năm 2017 là tương đối tốt. Chuyên gia kinh tế này cho rằng DN kỳ vọng lãi suất giảm hơn thúc đẩy kinh doanh là điều chưa thể xảy ra ngay.

dn nen giam ty le von vay
Ảnh minh họa

TS. Vũ Viết Ngoạn cũng đánh giá, năm nay điều kiện giảm lãi suất so với năm ngoái sẽ khó hơn. Bởi ngoài yếu tố sức ép lạm phát, lãi suất USD có xu hướng tăng trên thị trường quốc tế, trong khi chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, vẫn phải giữ ổn định tỷ giá, giữ chênh lệch ở mức độ hợp lý để thu hút dân gửi tiết kiệm VND. Chưa kể, hiện nay hệ thống NH còn nhiều khó khăn nên vẫn cần giữ chênh lệch đầu vào - đầu ra hợp lý để có mức lợi nhuận hợp lý, có dự phòng trang trải nợ xấu. Rồi một số NH có lãi suất huy động chênh nhau đến 2%, việc này càng làm khó cho NH khi tính đến phương án giảm lãi suất cho vay.

Từ những dự báo có được, rõ ràng ý kiến chung của những nhà chuyên môn đều cho rằng nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, không phụ thuộc vào dòng vốn vay sẽ là chiến lược tốt để các DN phát triển toàn diện lúc này. Qua trao đổi với một số DN họ cũng nhận thấy giảm tỷ lệ vốn vay là điều nên làm lúc này. Đơn cử, CTCP văn hóa Tân Bình (ALTA), từ cuối năm 2017, lên phương án tài chính mới cho năm 2018. Theo đó, để tiết kiệm chi phí, DN này đã chọn phương án cân đối nguồn vốn trong nội bộ để giảm tỷ lệ vốn vay tại NH. Đồng thời, công ty cũng bắt tay với NH để thực hiện một số dự án đầu tư song song chứ không phải mối quan hệ cho vay và đi vay.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình cho rằng, huy động vốn qua phát hành trái phiếu đang trở thành lợi thế của các DN để huy động vốn trung dài hạn với chi phí hợp lý, có lợi thế so với các kênh khác như vay tín dụng, phát hành cổ phiếu... Nói cách khác, thời gian qua, một số DN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc những DN chưa niêm yết nhưng có uy tín và mạnh trên thị trường đã thực hiện việc huy động vốn từ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu… thu hút vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Tiết kiệm chi phí hạn chế nguồn vốn vay được đánh giá là liều thuốc hữu hiệu đối với các DN. Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, vốn vay từ NH là một điểm tựa tốt và là động lực để DN mở rộng và phát triển cho các lĩnh vực. Thế nhưng điều này không có nghĩa là DN phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn vay NH thay vào đó DN nên coi NH là bạn đồng hành mà thôi.

“DN có nguồn vốn vay ít, tài chính mạnh lại xem đó là cơ hội để phát triển. Kinh nghiệm cho thấy các DN có tiềm lực, tập trung thực hiện dự án, không dàn trải sẽ hạn chế được rủi ro và phát triển ổn định”, ông Tùng cho biết. Một Phó tổng giám đốc Sacombank khẳng định những DN có tiềm lực tài chính ổn định mới là đối tượng mà NH hướng đến.

Quỳnh Vũ

Tin đọc nhiều