DN nên theo xu thế mới: Rời bỏ mục tiêu lợi nhuận tiến tới mục tiêu thịnh vượng

20:20 | 08/11/2016

Việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo rất nhiều cơ hội cho DN trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực, các nhà đầu tư và làm hài lòng các cổ đông.

WB khuyến nghị 7 ưu tiên để Việt Nam phát triển bền vững
Thay đổi để phát triển bền vững
Liên kết để phát triển bền vững

“Phát triển bền vững không phải là lựa chọn, mà là con đường duy nhất! DN không quan tâm tới phát triển bền vững thì sẽ không tồn tại lâu dài được”, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc tại Diễn đàn DN phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ III, ngày 8/11/2016. Ông nhấn mạnh: DN không chỉ vì lợi nhuận kinh tế, DN phải quan tâm đến con người, đến hành tinh này.

dn nen theo xu the moi roi bo muc tieu loi nhuan tien toi muc tieu thinh vuong
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn

Việc làm hôm nay ảnh hưởng gì đến tương lai?

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu hiện nay trên toàn cầu khi chúng ta đang phải đối diện với biến đổi khí hậu; khi mà việc phát triển dựa vào tài nguyên sẵn có và sử dụng lao động giá rẻ không còn phù hợp; khi mà nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; khi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng.

Năm 2015, Chương trình Nghị sự 2030 bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững, thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ký kết bởi nguyên thủ của 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển bền vững đã được ban hành, Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã được thành lập và Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, nền kinh tế cần được phát triển theo hướng bền vững - đó là cam kết cho thế hệ tương lai một nền kinh tế xanh. Để làm được điều này, Chính phủ và toàn xã hội cần hành động và hành động hơn nữa, thực sự coi trọng phát triển bền vững là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.

Ông cũng bày tỏ: “Chúng tôi luôn hỏi những việc làm hôm nay tác động thế nào đến tương lai? Làm thế nào, làm sao để đáp ứng nhu cầu phát triển hôm nay nhưng không ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của ngày mai?”.

Là một trong những đơn vị tiên phong về phát triển bền vững, đại diện Heineken Việt Nam cho biết, Heineken đã chuyển từ mục tiêu lợi nhuận sang mục tiêu thịnh vượng. “Chỉ là lợi nhuận thôi thì hơi ích kỷ, chúng tôi thấy thế và chúng tôi chuyển từ mục tiêu lợi nhuận hướng đến mục tiêu thịnh vượng – thịnh vượng cho chính công ty và góp phần cho sự thịnh vượng của cả cộng đồng”, vị đại diện Heineken chia sẻ.

Chính phủ mong làm việc ít đi

Ông Trần Vũ Hoài – Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại Unilever chia sẻ, đi theo định hướng phát triển bền vững, DN sẽ có được một nhân tố tích cực trong sự tăng trưởng và chu kỳ tăng trưởng của DN bởi sản phẩm và nhãn hàng của DN mang tính bền vững thì càng được người tiêu dùng ưa chuộng và từ đó đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của chính DN đó. Khi DN hướng phát triển bền vững sẽ trở nên tốt hơn và hiệu quả hơn trong việc sử dụng các nguồn lực, hạ thấp được các chi phí cũng như quản lý được rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp DN tăng trưởng bền vững hơn về mặt lâu dài.

Củng cố thêm cho định hướng của DN, ông Andrew Chan – Giám đốc Vùng phụ trách phát triển bền vững của PwC cho rằng, việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo rất nhiều cơ hội cho DN trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực, các nhà đầu tư và làm hài lòng các cổ đông. Thông qua các hoạt động phát triển bền vững, DN còn cải thiện được năng suất và giảm chi phí thông qua việc bố trí tận dụng các nguồn lực và bảo tồn tài nguyên, giúp nâng cao năng suất, tăng cường khả năng cạnh tranh, cũng như tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Kêu gọi cả xã hội và đặc biệt là cộng đồng DN cùng các cấp ngành thực sự coi trọng phát triển bền vững là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn, Phó Thủ tướng nhận xét, trong 7 chỉ tiêu phát triển bền vững có 5 chỉ tiêu đầu vào là thể chế kinh tế; hạ tầng; thị trường vốn; môi trường kinh doanh; đổi mới công nghệ và nhân lực… thì hiện các bộ, ngành vẫn chưa có đánh giá đúng về sự cải thiện, đổi mới. Các tiêu chí tăng trưởng xanh, công nghệ mới chưa được coi là giá trị gia tăng của ngành, của DN. Chưa có động lực đòi hỏi DN phải cải cách các nhân tố đầu vào, vì thế đây là trở ngại để Việt Nam đuổi kịp các quốc gia phát triển. Việt Nam còn thiếu các DN lớn đi tiên phong và làm hình mẫu để tăng trưởng và phát triển bền vững.

“Tôi tha thiết mong các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là DN, hãy cùng nhau làm một việc không hề mới nhưng phải có quyết tâm mới: Đó là làm sao để Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành phải làm ít việc đi. Chính phủ chỉ làm những việc thực sự cần thiết là tạo môi trường. Những gì DN, xã hội làm được, Chính phủ không cần làm. Chính phủ đang mong muốn cộng đồng DN, tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa hoạt động các dịch vụ công, giáo dục, y tế... để gia tăng hiệu quả cho xã hội, cho phát triển”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi.

Linh Đan

Tin đọc nhiều