DN ngán nhất điều kiện kinh doanh không minh bạch

08:38 | 29/06/2016

Nhìn lại có thể thấy, lâu nay quan hệ chính quyền với cộng đồng DN có khoảng cách, thậm chí nhũng nhiễu... chính là rào cản lớn nhất để thay đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo và phục vụ DN. 

Lo nhất là ngại minh bạch
Cần nhất là công bằng, minh bạch và thông thoáng

Quản lý sang phục vụ, hình nón sang hình phễu

Tại hội thảo “Đối thoại chính sách đầu tư 2016” do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Công ty kiểm toán quốc tế KPMG tại Việt Nam tổ chức sáng 28/6, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định rằng, việc triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ không chỉ giúp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà còn là đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy điều hành cũng như là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong thời gian tới.

dn ngan nhat dieu kien kinh doanh khong minh bach
Chính phủ đang rất quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh

Ấy là bởi xuyên suốt hai văn bản này toát lên thông điệp lớn: Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giữ vai trò kiến tạo cho nền kinh tế và các DN phát triển. Vai trò kiến tạo này được hiểu là sẽ có sự đổi mới tư duy từ quản lý, can thiệp sang phục vụ và từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thông điệp này mang hàm ý rất quan trọng. Đó là thay vì quản lý DN theo hình nón như trước đây (các điều kiện đầu vào quy định rất chặt chẽ nhưng lại quản lý lỏng lẻo sau đó) sang quản lý theo hình phễu, tức tạo mọi điều kiện để DN tham gia thị trường, Nhà nước chỉ xây dựng những quy định, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật để giám sát, chứ không tạo ra vô số rào cản, điều kiện chặn ngay ở khâu đầu vào như trước đây.

Nhìn lại có thể thấy, lâu nay quan hệ chính quyền với cộng đồng DN có khoảng cách, thậm chí nhũng nhiễu... chính là rào cản lớn nhất để thay đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo và phục vụ DN. Theo Bộ trưởng Dũng, thời gian tới đây, việc xây dựng hệ thống pháp luật, mối quan hệ Nhà nước – DN phải làm sao theo hướng tạo sự thân thiện.

“Khi DN thấy được sự thân thiện của Nhà nước, cùng với đó là một hệ thống pháp luật chặt chẽ thì DN mới yên tâm bỏ tiền ra làm ăn, kinh doanh” – Bộ trưởng Dũng nói. Ông khẳng định: Chính phủ vẫn mong muốn lắng nghe "cần làm gì thêm nữa" để DN phát triển.

Mấu chốt thành công là thực thi

Một hệ thống pháp luật chặt chẽ cần đảm bảo tạo điều kiện, môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN. Theo đó, cần làm rõ được cái gì cần quản lý và cơ chế quản lý thế nào; Các điều kiện để được kinh doanh ấy có thực sự cần thiết không và các điều kiện đó phải được công bố một cách minh bạch. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung chỉ ra, ở nhiều nền kinh tế phát triển vẫn tồn tại hàng chục nghìn giấy phép kinh doanh.

“Tôi vào một quán cafe ở nước ngoài được biết, để hoạt động kinh doanh được phải có 6 giấy phép. Hỏi họ tại sao giấy phép nhiều thế mà không kêu ca gì thì họ bảo không kêu vì tất cả mọi thứ ở đó đều minh bạch. Nên tôi cho rằng cái đáng quan tâm nhất là những điều kiện kinh doanh đặt ra có công khai, minh bạch và thực sự cần thiết không, chứ không phải là số lượng” – Thứ trưởng Trung nêu vấn đề.

Quan điểm của Thứ trưởng Trung cũng chạm tới một vấn đề đang rất gấp rút và cũng là bức xúc của nhiều DN hiện nay. Đó là thời điểm 1/7/2016 – khi các điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong các nghị định của Chính phủ thay vì được phép nằm rải rác cả trong các thông tư của các bộ, ngành như hiện nay.

Trong khi các bộ, ngành đang “vắt chân lên cổ” để hoàn thành các nghị định này thì dư luận lại lo ngại vấn đề nâng một cách cơ học và khó đảm bảo chất lượng. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng thông tin, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT làm đầu mối xây dựng một dự thảo luật để điều chỉnh các điều luật trong các luật chuyên ngành không còn phù hợp với Luật DN và Luật Đầu tư để trình Chính phủ trong tháng 8 và trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tin rằng, về tinh thần chung thì việc rà soát các thông tư để ban hành các nghị định thay thế sẽ tốt hơn cho môi trường kinh doanh trong thời gian tới.

“Nhưng tốt hơn như thế nào và tốt hơn bao nhiêu thì chưa thể có một câu trả lời chính xác. Tôi hy vọng sau ngày 1/7/2016, khi các nghị định được ban hành, chúng tôi có cơ sở so sánh giữa các quy định mới và quy định cũ thì sẽ có câu trả lời cho vấn đề này” – ông Hiếu nói.

GS.TS Nguyễn Mại – Chủ tịch VAFIE đánh giá đây thực sự là một cuộc đấu tranh giữa đổi mới và bảo thủ trong việc xây dựng một Nhà nước kiến tạo, nhằm tạo hành lang thông thoáng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển mà theo ông, phải quyết liệt và loại bỏ được lợi ích nhóm thì mới thực hiện được.

Như vậy cũng có thể xem việc các bộ, ngành ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh tới đây có chất lượng, độ minh bạch và phù hợp ra sao chính là một bước tiến (hay bước lùi) trong vai trò kiến tạo và quản lý nền kinh tế theo hình phễu của Nhà nước.

Đỗ Phạm

Tin đọc nhiều