DN phải khẳng định mình bằng thương hiệu

09:00 | 15/07/2019

Các DN phải đề cao việc xây dựng thương hiệu gắn liền với tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Nhập nhằng hàng “made in” Việt Nam
Tin vào VinFast Fadil, tin vào xe thương hiệu Việt

Theo dự báo, đến năm 2022, tổng giá trị hàng giả bán trên thị trường toàn cầu sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ USD. Lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, hàng giả đã và đang len lỏi khắp nơi. Chính vì vậy, tạo dựng và bảo vệ được thương hiệu là một vấn đề sống còn với DN. Để làm được điều này, phải kiên trì nhất quán đầu tư vào truyền thông, đưa thương hiệu đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Tại Diễn đàn “Kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại và phát triển kinh tế doanh nghiệp” vừa diễn ra ở TP.HCM, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định, thương hiệu DN là một phần quan trọng của hình ảnh đất nước trong hội nhập. Thương hiệu sản phẩm hay dịch vụ của DN sẽ có thể trở thành đại diện cho đất nước và dân tộc. “Trong thời đại CMCN 4.0, tuổi thọ của một sản phẩm ngắn hơn trước rất nhiều. Ví như trung bình cứ khoảng 6 tháng lại xuất hiện một mẫu điện thoại di động mới với tính năng vượt trội hơn. Đó là sự năng động, sáng tạo và đổi mới”, TS. Doanh chia sẻ.

dn phai khang dinh minh bang thuong hieu
Các DN phải đề cao việc xây dựng thương hiệu gắn liền với tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ

Năm 2018 là lần thứ 6 Chương trình thương hiệu quốc gia được tổ chức và đã có 97 sản phẩm/dịch vụ được công nhận đạt thương hiệu quốc gia; nhiều DN có hơn 1 sản phẩm/dịch vụ nằm trong danh sách này. Các giá trị cốt lõi của chương trình nhằm góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho DN trên thị trường trong nước và quốc tế. Hơn thế, theo thống kê của tổ chức Brand Finance, năm 2018, xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, thương hiệu Việt Nam được định giá 235 tỷ USD, nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Thế nhưng, bất cập ở chỗ, 47% giá trị thương hiệu của Việt Nam lại đến từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đơn cử, Samsung đặt nhà máy tại Việt Nam nhưng không thể nói điện thoại Samsung là của Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều quan điểm cho rằng, DN Việt cần gấp rút để xây dựng thương hiệu và khẳng định chỗ đứng của mình ngay trên thị trường nội địa.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, Việt Nam có tỷ lệ kinh tế hộ gia đình chiếm 32% GDP, khu vực kinh tế này chưa đăng ký thương hiệu, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế còn thấp, do vậy rất cần được hỗ trợ liên kết để phát triển một cách bài bản và vững vàng.

Thực trạng hiện nay cũng cho thấy, không ít nông lâm, thủy sản... xuất khẩu theo đường tiểu ngạch chưa có thương hiệu nên phải chịu giá thấp. Một số nông sản Việt Nam như vải, thanh long... được nhập khẩu tiểu ngạch vào nước khác và DN nước này đóng gói lại và tái xuất dưới thương hiệu của họ. Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, trên toàn quốc có hơn 800 sản phẩm nông-lâm-thủy sản có uy tín. Tuy nhiên, hiện chỉ có 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu, một số ít đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Bên cạnh đó, có đến 72% kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam do các DN FDI đóng góp với thương hiệu của họ.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều hàng rào bảo hộ thương mại được dựng lên và thắt chặt hơn, các DN hơn lúc nào hết phải đề cao việc xây dựng thương hiệu gắn liền với tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Ông Trần Giang Khuê, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ phân tích, không chỉ DN xuất khẩu, mà cả DN kinh doanh ngay tại thị trường trong nước cũng phải nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin về lĩnh vực này.

“Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần nâng cao uy tín, danh tiếng và sức cạnh tranh cho DN. Chính vì vậy, các DN phải đăng ký thương hiệu tại những thị trường mà mình hướng đến để hạn chế tối đa rủi ro như trường hợp kẹo dừa Bến Tre hay cà phê Trung Nguyên tại Trung Quốc…”, ông Khuê cảnh báo.

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều