DN phát hành trái phiếu: Quan trọng là phải công khai minh bạch

08:00 | 17/08/2019

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, các DN đã phát hành được 89.000 tỷ đồng trái phiếu, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Động thái trên được giới chuyên môn đánh giá khá tích cực, giảm sức ép cung ứng vốn cho hệ thống ngân hàng. Đặc biệt theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính chưa có cơ sở để nhận định thị trường này đang tăng trưởng nóng.

Nâng cao năng lực quản trị rủi ro, thúc đẩy minh bạch
Cải thiện tài chính, gia tăng minh bạch
dn phat hanh trai phieu quan trong la phai cong khai minh bach
Ảnh minh họa

Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường trái phiếu+ gần đây?

Tôi nghĩ đây là xu hướng tất yếu của thị trường. Trước hết do nhu cầu thực của DN cần huy động vốn để phát triển kinh doanh. Kế đến là giảm áp lực cung ứng vốn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, muốn phát hành trái phiếu thành công, quan trọng nhất là DN phải công khai minh bạch. Cụ thể ở đây là thông tin của DN phải đầy đủ, trung thực, công khai minh bạch để các nhà đầu tư cân nhắc, quyết định.

Tất nhiên, Chính phủ, các bộ ngành liên quan cũng phải theo dõi sát diễn biến thị trường đảm bảo lợi ích của các bên. Theo tôi, Nhà nước nên khuyến khích việc thành lập công ty đánh giá xếp hạng tín nhiệm cho các DN để từ đấy làm cơ sở để người mua xác định có nên mua trái phiếu DN hay không; và mức lãi suất trái phiếu DN có phù hợp không… DN nào công bố thông tin đầy đủ cho công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín cao thì lãi suất huy động sẽ thấp hơn.

Câu chuyện thành lập công ty xếp hạng tín nhiệm cho DN đã đặt ra khá lâu, vì sao chưa thể triển khai được, thưa ông?

Có lẽ là do DN Việt Nam vẫn chưa công bố đầy đủ thông tin. Khi thiếu thông tin rất khó để công ty xếp hạng. Nhưng nói chung việc này phải tiến hành. Nhất là thời điểm này, nhu cầu đầu tư trái phiếu DN tăng lên, Chính phủ nên đẩy mạnh việc thành lập công ty xếp hạng tín nhiệm của Nhà nước cùng với khung pháp lý phù hợp tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động.

Hiện tại, các ngân hàng vẫn đang là các nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu DN. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Tôi nghĩ rằng, NHNN cũng đã có quy định về tỷ lệ mua trái phiếu DN của các NHTM như thế nào. Mặt khác, động thái trên của các ngân hàng nhằm đa dạng hoá tín dụng của mình. Ngoài cho vay trực tiếp theo kiểu truyền thống, ngân hàng có thể cho vay gián tiếp dưới hình thức theo mua trái phiếu DN. Hai hoạt động này về bản chất như nhau, đều là cho vay, chỉ khác về hình thức và kỳ hạn. Việc ngân hàng mua trái phiếu DN cũng bởi họ có nhiều lợi điểm. Ngân hàng là nơi nhiều vốn hơn cả, cũng là nơi có nhiều thông tin hơn cả. Tức là thông tin DN họ nắm tương đối chắc nên việc đầu tư cũng giảm thiểu rủi ro…

Còn như nói ở trên, việc cho vay trực tiếp với mua trái phiếu DN chỉ khác nhau về hình thức. Khi anh vay dạng này rồi thì không vay dạng kia nữa. Hay nói cụ thể hơn, DN đã vay bằng cách phát hành trái phiếu thì họ hạn chế vay vốn ngân hàng trực tiếp. Chỉ khác ở chỗ đầu tư mua trái phiếu DN thường là kỳ hạn dài, còn vay vốn lưu động thì chủ yếu vay ngắn hạn.

Lúc đấy, ngân hàng cũng có sức ép nhất định như về cơ cấu kỳ hạn… Còn tổng lượng vốn sẽ không thay đổi nhiều. Khi đầu tư như vậy, ngân hàng cũng phải tự cân đối về cơ cấu kỳ hạn huy động vốn để không xảy ra bất cân đối nguồn vốn. Mặt khác, thời điểm này, nhu cầu vốn của tổng thể nền kinh tế tương đối ổn định, nên room tín dụng sẽ không bị căng cứng.

Hiện thị trường thế giới đang biến động rất khó lường. Theo ông, điều hành tỷ giá, lãi suất nên thế nào?

Khi nhu cầu vốn trong nước không quá mạnh, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, NHTW các nước trên thế giới có xu hướng giảm lãi suất, khả năng, Việt Nam sẽ vẫn giữ được ổn định mặt bằng lãi suất. Tỷ giá cũng vậy, tôi nghĩ rằng, NHNN sẽ điều hành giữ tỷ giá tiếp tục ổn định. Vì Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nên không thể để tỷ giá tăng mạnh được.

Hơn nữa, hiện tại kinh tế tăng trưởng vẫn ổn, nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu không phải là việc cấp bách. Các dòng vốn vào Việt Nam vẫn tích cực, cân đối cung cầu tốt. Dẫu một số nước khác thực hiện nới lỏng tiền tệ, giá trị đồng tiền suy yếu đi chút nhưng không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Vì xuất khẩu của Việt Nam chiếm hơn 100% GDP nhưng nhiều mặt hàng muốn xuất khẩu phải nhập khẩu nguyên liệu nên phần giá trị gia tăng không quá lớn.

Trong trường hợp tăng trưởng xuất khẩu có chậm lại thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy, việc giữ tỷ giá ổn định là cần thiết. Nhưng dĩ nhiên vẫn đảm bảo độ linh hoạt chứ không phải là cố định.

Xin cảm ơn ông!

Hà Thành thực hiện

Tin đọc nhiều