DN vay nợ thế nào?

09:29 | 11/05/2015

Sử dụng đòn bẩy tài chính lớn khiến cho rủi ro tài chính tăng lên. Chỉ ít năm vừa qua, hàng trăm nghìn DN đã thua cuộc trong cạnh tranh tồn tại.

Sốc với nợ 415 tỷ USD

Không phải những vấn đề to tát như môi trường kinh doanh kém hấp dẫn, nợ công tăng nhanh, hay tái cơ cấu chậm hơn kỳ vọng, mà thông tin “gây bão” dư luận gần đây là về nợ của DN trong nước.

Bài tham luận về cấu trúc vốn và đóng góp của DN tại một diễn đàn về kinh tế diễn ra gần đây của một chuyên gia thống kê cho biết, tổng nợ phải trả của khối DN nội đến năm 2012 khoảng 415 tỷ USD, hay khoảng 269% GDP và nếu lãi suất bình quân khoảng từ 3-4%/năm thì khối DN nội phải trả lãi hàng năm từ 12-16 tỷ USD.

Các con số nói trên, dù không cập nhật, nhưng đã làm dấy lên quan ngại về tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao và hàm ý rủi ro lớn đang hiển hiện với các DN Việt Nam…

dn vay no the nao
Nhiều DN vay nợ đầu tư cho sản xuất do khó khăn chung khiến khả năng trả nợ khó

Trên thực tế, 415 tỷ USD nợ phải trả của DN trong nước là con số rất lớn ngay cả ở thời điểm này. Chính vì thế, nhiều câu hỏi được đặt ra với thông tin nêu trên, liên quan đến sự chính xác của con số, nguồn gốc thống kê…

Bởi lẽ, tổng dư nợ toàn nền kinh tế năm 2012 mới ở mức hơn 3 triệu tỷ đồng, theo Ngân hàng Nhà nước, quy đổi khoảng 150 tỷ USD. Còn từ nguồn của Bộ Tài chính, tổng số nợ công tính vào thời điểm cuối năm 2012 là khoảng trên 1,64 triệu tỷ đồng, hay gần 80 tỷ USD.

Giả sử toàn bộ dư nợ tín dụng được đổ hết vào DN trong nước mà không chia sẻ sang kênh trái phiếu, cho vay tiêu dùng cá nhân…; cứ cho là nợ công toàn bộ thuộc khoản vay của DN trong nước, thông qua các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh, thì phần còn lại là DN tự vay tự trả trên thị trường quốc tế, vay trong nước và các khoản nợ thông qua mua hàng trả chậm… cũng lên đến gần 200 tỷ USD, con số vẫn còn rất cao. Nhưng đương nhiên, thực tế không có sự loại trừ nêu trên.

Sự nghi ngờ tính chân thực của con số còn liên quan đến khía cạnh lãi suất. Ở thời điểm năm 2012, liệu các DN có thể vay nợ với lãi 3-4%/năm hay không? Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay VND vào cuối năm 2012 khoảng từ 6,8% cho đến 17,5%/năm, tùy ngân hàng, kỳ hạn, khoản vay thuộc đối tượng ưu đãi hay không…; lãi suất cho vay USD khoảng từ 5% đến 8,5%/năm.

Giả sử rằng các DN có trung bình lãi suất giảm xuống nhờ vay được nguồn ODA rẻ, huy động từ cán bộ nhân viên hay đối tác với lãi suất thấp, nợ nguyên vật liệu với lãi suất bằng 0%... thì trách nhiệm nợ chỉ thêm vài phần trăm/năm là quá hấp dẫn, ngay cả hiện tại cũng khó có được. Đúng là vậy thì đừng nói DN Việt phải chịu chi phí lãi vay cao, ảnh hưởng khả năng cạnh tranh nữa?

Quan ngại còn lại là nợ nhiều nên trách nhiệm trả nợ của DN trong nước, nếu theo nguồn tin trên là thật, đã vào khoảng 7,5-10% GDP. Và đương nhiên với lãi suất tham chiếu chưa thực sự chính xác thì trách nhiệm trả nợ cũng có thể rất khác. Cho nên, câu hỏi đặt ra là nguồn gốc con số thống kê nói trên ở đâu?

Lo cho “liên kết chuỗi rủi ro”

Con số nợ nêu trên được trích từ báo cáo “Sự phát triển của DN Việt Nam giai đoạn 2006-2011” và số liệu cập nhật cho năm 2012 của Tổng cục Thống kê, tổng hợp qua báo cáo tài chính DN. Một nguồn tin từ cơ quan này khẳng định, không có chuyện tính trùng và số liệu được tính toán hoàn toàn khách quan.

Tuy nhiên, một chi tiết đáng chú ý là con số nói trên được tổng hợp từ mục “Nợ phải trả”. Như vậy, trong trường hợp DN kinh doanh bất động sản, con số nợ phải trả lại rất khác so với các loại hình DN còn lại.

Chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn xây dựng lớn trong một đại hội cổ đông cách đây 5 năm, khi được yêu cầu giải thích số nợ phải trả quá lớn trong báo cáo tài chính thì ông này nói rằng, nợ phải trả ở đây thực tế là khoản doanh thu mà DN bán nhà cho khách hàng thu về, nhưng vì công trình chưa bàn giao nên phần tiền này được hạch toán vào nợ phải trả.

Năm 2012, thị trường nhà đất ở giữa thời kỳ “đóng băng”, nhiều dự án đình trệ, như vậy nợ phải trả có thể tăng lên ở các DN bất động sản, mà thực tế họ coi đó là doanh thu. Hơn nữa, giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua, tình trạng “nợ đồng lần” diễn ra rất phổ biến, kiểu “tôi nợ anh nhưng người khác nợ tôi”. Về bản chất, nếu tính thực nợ nền kinh tế thì có lẽ phải cân nhắc cả đến nợ phải thu trong các báo cáo tài chính của DN?

Nhưng tất nhiên, nợ của DN trong nước là lớn và có thật. Các nghiên cứu thời gian gần đây cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của DN trong nước có xu hướng biến động mạnh, với DNNN giảm, trong khi DN ngoài Nhà nước tăng lên. Nhưng về cơ bản thì tỷ lệ này ở khu vực DNNN cao hơn. Giai đoạn trước, nhiều DNNN thể hiện trên báo cáo tài chính với nợ cao hơn vốn chủ sở hữu hàng chục lần, trong khi chỉ được phép ở mức 3 lần.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012, tỷ lệ này với DNNN là 2,93 lần và DN ngoài Nhà nước là 2,15 lần. Nhưng so với thế giới, ngay cả mức gần 3 lần cũng là rất cao, khi mà nhiều quốc gia chỉ là 1, hay nói cách khác là DN có một đồng vốn chủ sở hữu và chỉ nợ thêm 1 đồng.

Sử dụng đòn bẩy tài chính lớn khiến cho rủi ro tài chính tăng lên. Chỉ ít năm vừa qua, hàng trăm nghìn DN đã thua cuộc trong cạnh tranh tồn tại. Kiểu kinh doanh “bóc ngắn, cắn dài” như vậy sẽ khó lòng tồn tại trong môi trường cạnh tranh quyết liệt hiện nay. Khi mà những yếu kém về quản trị, điều hành chưa được cải thiện, thì nợ lớn chỉ khiến rủi ro vỡ nợ tăng thêm. Nhất là khi các khoản nợ là “nợ đồng lần” giữa các DN, như một kiểu “liên kết chuỗi rủi ro”.

Sự đổ bể của DN chính vì thế là một dây kéo dài và có thể chưa dừng tại thời điểm này, đúng như dữ liệu thống kê liên tục công bố…

Anh Quân

Tin đọc nhiều