Doanh nghiệp băn khoăn chi phí lao động

13:00 | 23/07/2018

Tăng lương đảm bảo đời sống cho người lao động, song đồng thời phải là động lực thúc đẩy năng suất lao động tăng lên.

Hóa giải thách thức nhân lực cho cách mạng 4.0
Tăng năng suất từ góc nhìn doanh nghiệp

Mới đây, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã có công văn gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong đó bày tỏ quan điểm cũng như đưa ra một số khuyến nghị đối với việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

doanh nghiep ban khoan chi phi lao dong
Việc cần làm ngay đối với các DN là xây dựng đội ngũ công nhân có kỹ năng và tay nghề để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu

Theo JCCI, người lao động Việt Nam cần được hưởng cuộc sống đầy đủ và mức lương tối thiểu là cần thiết bởi đây là yếu tố thúc đẩy nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm cần dựa vào tình hình thực tế của kinh tế trong và ngoài nước, đồng thời cần cân nhắc đến những tác động để không làm suy giảm năng lực cạnh tranh của DN, nhất là các DN trong ngành dệt may, giày dép, sản xuất chế tạo và xuất khẩu nói chung.

JCCI cũng đưa ra dẫn chứng về điều tra với DN Nhật Bản hoạt động tại châu Á, theo đó 75,2% DN tại Việt Nam cho rằng tăng lương gây ảnh hưởng đến kinh tế. Mức lương tối thiểu ở Việt Nam hiện cao chỉ sau Campuchia, Indonesia và Trung Quốc, và đang được coi là thách thức kinh doanh lớn nhất. Đây cũng chính là nguy cơ khiến DN Nhật Bản cũng như một số nước có thể cắt giảm lao động trong thời gian tới tại thị trường Việt Nam.

Ông Koji Ito, Chủ tịch JCCI cho rằng, nên hạn chế sự gia tăng của lương tối thiểu nhằm phục vụ phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cấp nền móng công nghiệp, nhất là nâng cao sức cạnh tranh cho những ngành thâm dụng lao động, tạo đòn bẩy cho DN hoạt động tại Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng chung quan điểm này, Giám đốc phụ trách một DN may mặc tại KCN Linh Trung, Thủ Đức cho biết hiện nay, DN đòi hỏi lao động phải có kỹ năng, có tay nghề và mức lương sẽ được trả tương xứng với giá trị mà họ tạo ra. Vì vậy, điều các DN cần bây giờ là xây dựng đội ngũ lao động đi đôi với việc nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều giá trị lợi nhuận.

Liên quan đến vấn đề tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, trước đó tại phiên đàm phán lần đầu về điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 2019 được Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức đã có nhiều luồng ý kiến không thống nhất. Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8% thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho biết, đại đa số các hiệp hội đều cho rằng chưa nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Cụ thể, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8% (tăng từ 220.000 lên 330.000 đồng). Phương án này sẽ đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội như GDP tăng khoảng 7%, CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%...

Ngược lại, đại diện giới chủ sử dụng lao động cho rằng, việc không tăng lương tối thiểu nhằm bồi dưỡng sức DN, dồn sức để đào tạo và nâng cao tay nghề của người lao động, qua đó đáp ứng yêu cầu công việc cũng như sự cạnh tranh của thị trường.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời đại CMCN 4.0, lao động giá rẻ sẽ dần bị mất vị trí. Công ăn việc làm của hàng triệu người hiện nay có thể sẽ bị mất trong một hoặc hai thập kỷ tới và được thay thế bằng các công việc đòi hỏi các kỹ năng mới và tiên tiến hơn.

Lao động tay nghề thấp, làm trong những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy hải sản, dịch vụ bán lẻ... sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot. Vì vậy, thách thức lớn nhất đối với lao động Việt Nam là tăng năng suất, chất lượng lao động.

“Việc cần làm ngay đối với các DN là nâng cao chất lượng đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ công nhân có kỹ năng và tay nghề để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu có mức giá trị gia tăng cao hơn thay thế cho nhân công giá rẻ như hiện nay” – các chuyên gia nhận định.

Theo TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cuộc CMCN 4.0 đặt ra thách thức lớn đối với lao động không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Bởi thực tế, tại nhiều quốc gia tiên tiến hiện nay, người máy (robot) đang thay thế dần lao động giá rẻ, tạo ra xu hướng các nước có lợi thế về công nghệ và vốn sẽ quay trở lại đầu tư vào chính quốc gia của mình chứ không phải đầu tư sang các nước có lợi thế về nguồn lao động.

Bên cạnh đó, khi ngày càng có nhiều DN lắp dây chuyền tự động, trang bị robot hiện đại, sẽ nhanh chóng “thải” ra hàng trăm công nhân. Điều này là có cơ sở cho dự báo “sẽ có đến 86% lao động ngành may mặc và da giày của Việt Nam mất việc trong vòng 15 năm tới”. Chúng ta cần chấp nhận việc thay đổi tư duy và đầu tư cho việc học suốt đời, cũng như chấp nhận thay đổi môi trường, địa điểm làm việc như một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển.

Nhật Minh

Tin đọc nhiều