Doanh nghiệp bán lẻ cần thêm hỗ trợ

11:00 | 02/01/2019

DN gặp khó khăn từ việc thu mua sản phẩm đầu vào, chế biến đến bảo quản và đưa sản phẩm ra thị trường...

Ngành bán lẻ trong nước: Doanh nghiệp chuyển mình theo xu thế
Thị trường bán lẻ tại Đà Nẵng còn rất lớn

Phát triển hệ thống bán lẻ

Với quy mô dân số khoảng hơn 1,2 triệu người, cùng sự tăng trưởng ấn tượng hàng năm về lượng khách du lịch, TP. Đà Nẵng là một trong những thị trường có sức tiêu thụ tốt, ổn định ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Cũng bởi vậy, nên nhiều DN bán lẻ cả trong và ngoài nước đã nhanh chân mở rộng mạng lưới kinh doanh ở địa phương.

doanh nghiep ban le can them ho tro
Doanh nghiệp bán lẻ cần thêm những hỗ trợ tích cực

Trên thực tế, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chính quyền thành phố luôn tạo điều kiện phát triển hệ thống thương mại trên địa bàn. Trong đó, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, thương mại điện tử. Đà Nẵng cũng đã tiến hành quy hoạch, đầu tư đồng bộ hạ tầng thương mại với hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn...

Đặc biệt, trong những năm gần đây, thành phố bên bờ sông Hàn đã có sức hút với nhiều “đại gia” bán lẻ cả trong lẫn ngoài nước. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có nhiều trung tâm thương mại lớn như, Vĩnh Trung Plaza, Parkson, Co.op Mart, Vincom, Lotte Mart, Big C hay Nguyễn Kim... Cùng với đó là hệ thống hơn 70 siêu thị lớn, nhỏ nằm rải rác khắp địa bàn từ trung tâm thành phố đến xuống tận các vùng ven, ngoại thành.

Ngoài ra, trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn có hơn 70 chợ dân sinh. Trong đó, có một số chợ đã đạt chuẩn chợ văn minh thương mại như, chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hòa Cường.

Theo ông Nguyễn Hà Bắc - Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng, trong thời gian tới thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục có sự phát triển mạnh tại Đà Nẵng, với sự có mặt của thêm nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn. Việc xuất hiện các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đã góp phần mang lại khởi sắc cho thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố cũng như sự tiện lợi cho người dân địa phương.

Song song với phát triển về số lượng, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn cũng đã chú trọng việc kết nối với người sản xuất, HTX... để cung ứng các sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch đến tận tay các “thượng đế”.

Đại diện một siêu thị ở TP. Đà Nẵng cho biết luôn sẵn sàng làm cầu nối liên kết giữa nông dân và người tiêu dùng thông qua kênh phân phối hàng nông sản. Theo đó, những điều kiện để hàng nông sản, thực phẩm vào siêu thị đã được giản lược tối đa. Yêu cầu quan trọng nhất là các sản phẩm phải bảo đảm chất lượng cũng như số lượng theo yêu cầu.

Trên thực tế, ngoài nguồn nông sản, thực phẩm từ các địa phương khác, hiện trên địa bàn thành phố đang có hơn 50 HTX, cơ sở sản xuất hàng nông sản. Thành phố cũng có nhiều sản phẩm truyền thống, có thương hiệu như bánh tráng Túy Loan, nước mắm Nam Ô, nấm linh chi, nấm rơm, nấm sò, các loại rau củ quả ở Hòa Vang hay Ngũ Hành Sơn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đủ sức đáp ứng các tiêu chí để vào siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi…

Vai trò kết nối của chính quyền

Cũng như nhiều đô thị lớn trong cả nước, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi ở Đà Nẵng cũng đang thu hút sự quan tâm của các khách hàng. Bởi, ngoài điểm mạnh là hệ thống phân phối ngày càng phủ sóng rộng khắp, thì hàng hóa bày bán tại đây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá bán được niêm yết cụ thể, so với giá ở chợ không chênh lệch nhiều, thái độ phục vụ chuyên nghiệp đặc biệt là việc bảo đảm về chất lượng, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng...

Trên thực tế hiện nay, mặc dù đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn đến tận tay người tiêu dùng, song các DN lại đang loay hoay đối mặt với nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng như một số địa phương lân cận trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hiện nay việc sản xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Điều này, khiến các siêu thị, trung tâm thương mại nhiều khi lâm vào cảnh bị động, việc cung cấp nguồn hàng thường xuyên bị đứt quãng, hoặc số lượng không nhiều.

Cùng với đó, ngoài yếu tố chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các siêu thị, trung tâm thương mại... còn đòi hỏi sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn về bao bì, nhãn mác sản phẩm. Những điều này không phải cơ sở, HTX nào cũng có thể đáp ứng được.

Trong khi, quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ. Chính việc hạn chế phát triển ở khâu sản xuất khiến nguồn cung nông sản sạch còn hạn chế. Đẩy giá thành lên cao và người thiệt thòi chính là các “thượng đế”.

Đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở TP.Đà Nẵng đều có chung kiến nghị là, các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra, kiểm soát sản xuất, chất lượng sản phẩm từ nơi sản xuất. Sau đó, mới tổ chức các sự kiện kết nối tiêu thụ giữa siêu thị với những người nông dân, HTX sản xuất hoặc giới thiệu các cơ sở sản xuất sạch, có chất lượng đến DN bán lẻ.

Có sự bảo đảm, giới thiệu của các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, chắc chắn DN yên tâm để thương thảo, giao kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với những nhà sản xuất vì đã được giám sát quá trình sản xuất.

Theo đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Tiêu thụ nông sản Hòa Vang, sự phối hợp giữa các đơn vị tiêu thụ với đơn vị sản xuất lớn thường không gặp trở ngại nào lớn. Tuy nhiên, khi hợp tác với các HTX, hộ nông dân sản xuất nhỏ, lẻ thì lại gặp khó khăn. Đó là xe thu mua nông sản của DN phải đi rất nhiều điểm để thu gom từng thùng hàng rất tốn thời gian, nhiên liệu. Điều này không chỉ làm gia tăng giá thành sản phẩm mà còn làm giảm độ tươi ngon của nông sản.

Bởi thế, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm hỗ trợ cho những nhà sản xuất, nhỏ lẻ và tập hợp lại thành một trung tâm hoặc một đơn vị cung cấp có năng lực lớn để DN bán lẻ dễ dàng đến thu mua nông sản và rút ngắn đáng kể thời gian đưa nông sản đến tay người tiêu dùng.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều