Doanh nghiệp bán lẻ: Đối mặt với thách thức trên sân nhà

10:12 | 20/05/2015

Từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đang sôi động bởi sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều DN trong nước và nước ngoài. 

Từ ngày 11/1/2015, Việt Nam chính thức cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài, các nhà đầu tư ngoại đang tăng cường đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, dần khẳng định chỗ đứng và chiếm giữ một thị phần nhất định.

Bên cạnh đó, từ năm 2015, theo thỏa thuận chung của khối ASEAN, thì các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… được di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối. Hàng loạt các mặt hàng sẽ có dòng thuế về 0% theo lộ trình khiến cho hàng hóa từ các nước ASEAN tràn vào Việt Nam, tạo nên sức ép cạnh tranh khá lớn đối với các DN trong nước. Nhưng chính đây cũng là động lực thúc đẩy sản xuất và phân phối, nâng cao sức cạnh tranh của các DN Việt Nam.

doanh nghiep ban le doi mat voi thach thuc tren san nha
DN bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam thông qua nhiều hình thức đang tạo nên một cuộc cạnh tranh lớn trên thị trường

Theo đánh giá của TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, những sự kiện này chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bán lẻ Việt Nam. Điều này cũng sẽ khiến cho thị trường này tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh và sôi động hơn, với sự xuất hiện của nhiều DN bán lẻ trong và ngoài nước tạo ra sự cạnh tranh cao.

Có thể nói, cuộc đổ bộ của nhiều DN bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam thông qua nhiều hình thức đang tạo nên một cuộc cạnh tranh lớn trên thị trường. Các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ thâm nhập vào Việt Nam bằng con đường liên doanh liên kết trong khâu phân phối, mà ngay từ khâu sản xuất.

Bên cạnh các tập đoàn lớn trên thế giới đã gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam như Lotte, BigC, Metro, Parkson, Aeon…, thời gian qua còn chứng kiến một số DN nước ngoài đầu tư lớn vào Việt Nam như Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua toàn bộ hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với tổng giá trị lên đến 879 triệu USD, đồng thời lên kế hoạch mở rộng mạng lưới 300 cửa hàng B’s Mart trong năm 2015.

Các tập đoàn lớn như Lotte (Hàn Quốc) dự định phát triển thêm 60 siêu thị và trung tâm thương mại tại Việt Nam tính đến năm 2020. Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) dự kiến đến năm 2020 sẽ phát triển khoảng 20 trung tâm mua sắm… Theo Bộ Công Thương, đến nay đã có 21 DN 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực phân phối. Tuy nhiên, doanh thu từ các DN này mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu bán lẻ tại VN.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, người tiêu dùng trong nước hiện có xu hướng sử dụng hàng Việt thay cho hàng ngoại nhập. DN Việt Nam cũng ngày càng chủ động hơn trong việc cạnh tranh với DN ngoại. Điều này chứng tỏ các DN Việt đang có những cuộc bứt phá để khẳng định được chỗ đứng trên sân nhà và chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Các DN lớn của Việt Nam đang có những đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ. Điển hình như Tập đoàn Vingroup đã chính thức nhảy vào lĩnh vực bán lẻ và dự kiến mở 100 siêu thị, 1.000 cửa hàng tiện lợi thương hiệu VinMart trong vòng 3-4 năm tới. Vingroup đã hoàn tất mua lại 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tại Công ty Thương mại và Thời trang Việt Nam (Vinatexmart).

Vingroup cũng đồng loạt khai trương nhiều siêu thị và cửa hàng tiện ích với thương hiệu VinMart và Vinmart+ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, một số DN bán lẻ hàng đầu đã khẳng định được chỗ đứng như Saigon Co.op, Hapro… vẫn có những bước phát triển vượt bậc về doanh số bán lẻ.

Theo đại diện Hapro, trong những năm qua, Hapro luôn nâng cao chất lượng các sản phẩm, mở rộng các chuối siêu thị, đặc biệt là chuỗi cung ứng các sản phẩm vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa giảm giá thành tạo nên mức cạnh tranh lớn trên thị trường. Bên cạnh việc phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại, Hapro còn đẩy mạnh phát triển thị trường nông thôn. Đây là bước đi quan trọng, giúp họ dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa.

Thời gian qua, Happro đã liên kết chặt chẽ với các DN để giảm giá hàng hóa, đồng thời đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống tổng kho dự trữ hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, góp phần bình ổn giá qua đó kích cầu tiêu dùng…

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, với sự vào cuộc của các DN trong nước sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ với các DN nước ngoài, góp phần tạo nên sự bứt phá của thị trường bán lẻ trong thời gian tới. Các DN trong nước cần phải tạo ra sự liên kết vùng, liên kết sản xuất – phân phối. Đồng thời các DN cũng cần hợp tác, chủ động hợp tác, liên kết để tiết kiệm chi phí, kiểm soát hàng hóa, giảm giá bán và tăng sức cạnh tranh.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều