Doanh nghiệp bán lẻ cần thêm hỗ trợ | |
Đà Nẵng thu hút doanh nghiệp bán lẻ | |
Doanh nghiệp bán lẻ điện máy sống khỏe |
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thị trường bán lẻ Việt Nam luôn có tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn với trên 93 triệu người, cơ cấu dân số trẻ là 60% ở độ tuổi từ 18 – 50 tuổi, là độ tuổi có các giao dịch mua sắm cao nhất. Dự báo, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm, đạt mức 714 USD/ tháng/năm 2020.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25%, trong khi ở Philipin là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...). Nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam lại đang phát triển mạnh mẽ do nền kinh tế đang phát triển tốt. Các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại tại Việt Nam như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng. Nếu vào năm 2010, cả nước có 8.500 chợ, 500 siêu thị và 100 trung tâm thương mại, thì đến nay, con số này là 8.539 chợ, 957 siêu thị và 189 trung tâm thương mại, 7.012 cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh hoạt động theo mô hình chuỗi. Trong đó, kênh bán lẻ truyền thống chiếm 83% ở lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng nhanh, trong khi kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 17%.
Theo bà Nguyễn Thị Như Ngọc, Giám đốc marketing công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanal Việt Nam, tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá cao trong mắt nhiều nhà đầu tư bởi người tiêu dùng Việt Nam hiện có xu hướng chọn mua sắm tiện lợi, quan tâm đến sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe, ngày càng ưa chuộng và sẵn sàng chi trả cho sản phẩm cao cấp. Chính vì thế, từ đầu năm 2019 bán lẻ đa kênh đã trở thành xu thế nổi bật của thị trường bán lẻ Việt Nam, tạo ra một hành trình mua hàng mới của người tiêu dùng Việt, không còn là đường thẳng mà thông qua nhiều kênh, kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và trực tiếp.
Đặc biệt, đến thời điểm này, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có sự cân bằng thực lực giữa doanh nghiệp nội và nhà đầu tư nước ngoài. Sự cân bằng này là cả về số lượng doanh nghiệp, chủng loại hàng hóa kinh doanh tại điểm bán lẻ. Cụ thể, đã có nhiều doanh nghiệp nội thâu tóm lại thị trường và kênh khách hàng của doanh nghiệp ngoại như, Saigon Co.op thu mua hệ thống siêu thị của Pháp là Auchan Reatil. Hay Vincommerce mua lại các cửa hàng tiện lợi Z - Mart, Shop & Go và Queenland Mart…
Sự trỗi dậy của doanh nghiệp bán lẻ nội đã cho thấy, dù là thị trường lớn, còn nhiều dư địa để phát triển nhưng thị trường bán lẻ Việt không hề “dễ ăn” với các doanh nghiệp nước ngoài. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, thị trường bán lẻ Việt đa dạng và phân biệt rõ nét yếu tố vùng miền. Mỗi địa phương là một nét văn hóa tiêu dùng khác nhau, phân chia ra nhiều khu vực như thị trường thành thị, nông thôn, vùng xa, vùng sâu…
Yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nội phát triển chuỗi cửa hàng. Điều đó góp phần hình thành xu hướng bán lẻ nổi trội tại Việt Nam trong những năm tiếp theo. Đó là địa phương hóa và cá nhân hóa kênh bán lẻ, hướng đến từng đối tượng khách hàng cụ thể. Đây cũng chính là xu hướng nổi bật, được các doanh nghiệp bán lẻ trong nước tiếp thu từ thị trường bán lẻ tiên tiến trên thế giới áp dụng vào Việt Nam. Nếu địa phương hoá là xu hướng tập hợp các sở thích, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng địa phương để xây dựng một danh mục hàng hoá cung ứng phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đó, thì cá nhân hoá là hiểu văn hoá mua sắm, trải nghiệm trong quá trình mua sắm, để tạo hình thức mua sắm mới lạ nhưng phù hợp để thu hút được khách hàng.
Thanh Thanh