Doanh nghiệp bất động sản gặp khó

11:00 | 03/04/2019

Thị trường trầm lắng, giao dịch sụt giảm là nguyên nhân khiến cho nhiều DN BĐS gặp khó

Trong 2 tháng đầu năm 2019, nhiều khoản thu nội địa của TP. HCM tăng cao so với cùng kỳ, trong khi thu thuế từ lĩnh vực BĐS lại tiếp tục giảm gần 80%. Điều này cho thấy nhiều DN BĐS đang gặp khó trong hoạt động kinh doanh khiến cho doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nghĩa vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước.

doanh nghiep bat dong san gap kho
Cục Thuế TP. HCM đã "điểm danh" 76 DN hoạt động liên quan đến lĩnh vực BĐS nợ thuế gần 800 triệu đồng

Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh của một DN BĐS có tiếng tại TP. HCM cho biết, từ năm 2018 cho đến những tháng đầu năm nay, hoạt động kinh doanh BĐS từ tìm kiếm quỹ đất, triển khai dự án cho đến khâu bán hàng trên địa bàn thành phố dường như đều bị chững lại. Điều này không chỉ khiến cho nguồn cung khan hiếm, mà cả lượng giao dịch cũng bị sụt giảm nghiêm trọng do tâm lý khách hàng còn đang chờ đợi nghe ngóng.

Theo quan sát, tìm hiểu thị trường của phóng viên Thời báo Ngân hàng, các dự án chung cư trên địa bàn TP. HCM gần như rơi vào cảnh án binh bất động, rất hiếm dự án “bung” được hàng trong thời điểm này. Hầu như các sale của nhiều sàn giao dịch BĐS đều đang phải bán lượng hàng tồn của những dự án cũ đã được chào hàng từ trước đó 1 – 2 năm. Tuy nhiên, lượng giao dịch thành công đối với sản phẩm căn hộ chung cư từ các dự án cũ không cao khiến cho việc kích thích sức cầu khá chậm chạp.

“Trước kia, dự án từ các công ty môi giới đều được khách hàng quan tâm, thậm chí săn lùng, lượng giao dịch thành công thậm chí lên đến 90% - 98% ngay trong ngày mở bán. Nhưng hiện nay đã có nhiều sự thay đổi, nhân viên sale phải làm việc cực nhọc hơn nhiều song vẫn không hút khách”, Trưởng nhóm phụ trách bán hàng thuộc sàn Linkhouse cho biết.

Mới đây nhất, Cục Thuế TP. HCM đã "điểm danh" 76 DN hoạt động liên quan đến lĩnh vực BĐS nợ thuế gần 800 triệu đồng. Trong đó, phải kể đến những cái tên như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ nợ 88 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 nợ hơn 73 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Lâm Viên nợ 67 tỷ đồng, Công ty Xây lắp Công nghiệp nợ 48 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Cotec nợ 29,9 tỷ đồng, Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Nhân Văn nợ 18 tỷ đồng...

Trước đó, Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) cũng đã từng nêu lên quan ngại về tình hình thị trường BĐS trong năm 2019. Trong đó, HoREA chỉ rõ, nguồn thu ngân sách từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án BĐS trên địa bàn TP.HCM bị sụt giảm khá lớn ngay từ năm 2018. Năm 2017, thu ngân sách từ đất là 27.170 tỷ đồng, chiếm 11,75% tổng thu ngân sách; trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án là 17.905 tỷ đồng, chiếm 66% tổng nguồn thu về đất. Đến năm 2018, tổng thu ngân sách nội địa của TP. HCM là 268.780 tỷ đồng đạt 100,03%; trong đó, ước thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách.

Nhưng, số thu tiền sử dụng đất dự án là 13.868 tỷ đồng, chỉ còn chiếm 61,3% tổng nguồn thu về đất. Như vậy so với năm 2017, số thu ngân sách từ đất đã giảm khoảng 4.570 tỷ đồng, giảm 16,8%; số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng, giảm đến 22,5%. Điều đáng quan tâm là số tiền thu ngân sách từ đất mà các DN và cá nhân còn nợ đến cuối năm 2018 đã lên đến 3.013 tỷ đồng, tỷ trọng nguồn thu từ đất trong tổng thu ngân sách của thành phố năm 2018 đã sụt giảm 2,43%. Theo HoREA, đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm bởi nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án BĐS đã có dấu hiệu chững lại và có khả năng tiếp tục sụt giảm trong năm 2019.

Nếu xét về quy mô, thị trường BĐS cũng đang bị sụt giảm rất lớn trong năm qua. Nếu như năm 2017, có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 42.991 căn (gồm 37.502 căn hộ chung cư và 5.489 căn nhà thấp tầng). Trong đó, phân khúc cao cấp chiếm 25,5%, phân khúc trung cấp chiếm 45,5%, phân khúc bình dân chiếm 29,1%.

Nhưng đến năm 2018, chỉ có 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 28.316 căn, quy mô thị trường giảm đến 34,1% so với năm 2017. Trong đó, phân khúc cao cấp có giá bán trên 40 triệu đồng/m2 chiếm 30%, tăng 4,5% so với năm 2017, phân khúc trung cấp chiếm 45,3% tương đương năm 2017, phân khúc bình dân chỉ còn chiếm 24,7% giảm 4,4% so với năm 2017.

Số liệu thống kê của 65 DN BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán của cả nước, trong đó có nhiều DN BĐS quy mô của TP.HCM cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho đã lên đến 201.921 tỷ đồng.

Theo phân tích của chuyên gia BĐS, hàng tồn kho BĐS theo kế hoạch kinh doanh của DN và hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông là điều bình thường. Điều đáng quan tâm là hàng tồn kho do đã đưa ra thị trường nhưng chưa tiêu thụ được, bị ế, có tác động tiêu cực đến tính thanh khoản của DN và quan hệ tín dụng với NHTM.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, cần phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả từ các bộ, ngành để gỡ khó cho các DN BĐS trong giai đoạn hiện nay về cơ chế chính sách, khai thông nguồn cung, kích thích sức cầu cho thị trường. Nhất là đối với hơn 100 dự án đang bị ách tắc không triển khai được do vướng mắc về thanh tra, kiểm soát liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng, hiệp hội cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tiếp tục và khẩn trương thực hiện công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án BĐS, giúp DN nhanh chóng đưa dự án vào kinh doanh.

Minh Tuyết

Tin đọc nhiều