Doanh nghiệp BĐS với vấn đề nguồn lực

09:41 | 06/12/2018

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) nhận định, thời gian tới thị trường bất động sản (BĐS)  sẽ có thể gặp phải một số khó khăn trở ngại do sự tác động từ những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Việc này sẽ làm cho hoạt động kinh doanh cũng như triển khai dự án mới gặp khó khăn đối với cả người mua và DN.

Lỏng lẻo quản lý chung cư
Cơ hội hút vốn với cổ phiếu bất động sản

Trước thực tế này, các DN BĐS đều có sự chuẩn bị sẵn các phương án, chiến lược phù hợp với DN mình để tránh rơi vào tình trạng khó khăn do những tác động bên ngoài. Thực tế, Thuduc House ít phụ thuộc vào nguồn vay từ ngân hàng hơn một số DN cùng ngành.

doanh nghiep bds voi van de nguon luc
Các DN cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng

Thêm vào đó, DN có những hoạt động kinh doanh khác để bổ sung vào dòng tiền, cũng như tăng cường liên doanh liên kết với nhiều đối tác trong và ngoài nước để tăng cường nguồn lực. Thêm vào đó, Thuduc House đang triển khai kế hoạch phát hành khoảng 300 – 500 tỷ trái phiếu DN nhằm huy động vốn và giảm sự phụ thuộc vào các khoản vay ngân hàng.

“Dự kiến trong tháng 12/2018 này, Thuduc House có kế hoạch công bố một số thông tin về dự án mới. Trong đó, có những dự án lớn và rất được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho DN. Những dự án tiềm năng khác cũng đang được xem xét triển khai cùng với công tác phát triển quỹ đất được tiến hành cẩn thận và theo đúng kế hoạch cho không chỉ là 2019 - 2020 mà còn cả cho những năm sau đó”, vị Phó tổng giám đốc chia sẻ.

Đối với kế hoạch phát triển thị trường trong tình hình mới có nhiều biến động, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư LDG (LDG) cho biết, thị trường BĐS hiện nay đang trong giai đoạn bão hòa, có xu hướng dần đi vào ổn định. Thời gian qua, thị trường BĐS cũng đã trải qua những thanh lọc, đào thải dần các DN yếu kém, không đủ năng lực phát triển dự án.

Trong bối cảnh đó, tiềm lực tài chính dồi dào do quá trình tích lũy vốn từ giai đoạn trước đó đã giúp cho vị thế cạnh tranh của LDG ngày càng mạnh lên. Đến nay, DN tiếp tục duy trì phát triển dòng căn hộ trung bình và các khu đô thị thông minh.

Đồng thời, chuẩn bị quỹ đất lớn, sạch để bước sang giai đoạn đầu tư và các khu đô thị có quỹ đất lớn. Dự kiến phát triển thêm 250ha – 300ha quỹ đất sạch cho dự án khu đô thị và phát triển thêm 3 tới 5 dự án căn hộ với quy mô quỹ đất trong khoản 1ha – 2ha. Riêng đối với vấn đề nguồn lực, chiến lược của LDG là sử dụng nguồn vốn từ dòng tiền tự do gối đầu các dự án thanh khoản nhanh kết hợp với tín dụng ngân hàng phục vụ cho các dự án thanh khoản từng phần.

Tuy nhiên, để chủ động nguồn vốn lâu dài, DN xác định rõ trong những giai đoạn sau cần thiết phải phát triển thêm các nguồn huy động khác như phát hành trái phiếu tăng vốn, liên doanh liên kết với đối tác trong và ngoài nước...

Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) phân tích, từ trước đến nay, hoạt động kinh doanh BĐS luôn cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Ở các nước thì các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường BĐS.

Song ở nước ta, trong thời gian qua, các DN BĐS phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng. Nhưng do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường BĐS.

Theo đó, các DN cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực tài chính, quan tâm các phân khúc nhà ở có tính thanh khoản cao, bền vững, tham gia các chương trình phát triển nhà ở theo chủ trương của Chính phủ.

“Từ ngày 1/1/2019, các TCTD chỉ còn được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 16/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, vì vậy để thích ứng với tình hình mới, các DN BĐS cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn khác thay thế do nguồn vốn tín dụng “rót” vào BĐS sẽ hạn chế dần.

Đồng thời, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của Luật Kinh doanh BĐS. Nhất là, các DN cần tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của DN và coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập tiến tới hình thành các tập đoàn BĐS mạnh trong và ngoài nước. Đồng thời việc niêm yết trên sàn chứng khoán giúp DN có điều kiện kêu gọi nguồn lực xã hội nhằm tăng cường vốn hóa đại chúng” – ông Châu khuyến cáo.

Minh Tuyết

Tin đọc nhiều