Doanh nghiệp cần có tầm nhìn cao hơn

09:06 | 18/05/2015

Khi hàng loạt cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do đang gần đến hồi kết, yêu cầu phát triển bền vững cũng đặt ra với các DN Việt Nam.

Sự góp mặt của thành viên Chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn và hiệp hội, DN hàng đầu Việt Nam tại Diễn đàn DN phát triển bền vững Việt Nam 2015 tổ chức cuối tuần rồi cho thấy tính bức thiết của vấn đề. Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc vừa được ký kết chính thức, TPP, FTA Việt Nam - EU… đang đến hồi kết thúc đàm phán để bắt tay thực thi, nhìn lại thấy rằng năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng với môi trường hội nhập mới mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững của DN Việt Nam thực sự còn nhiều quan ngại. Vấn đề này đã được xới xáo lên tại diễn đàn nói trên.

doanh nghiep can co tam nhin cao hon
Nhiều FTA được ký kết, nếu các DN Việt Nam không cùng nhau có tầm nhìn cao hơn thì sự phát triển sẽ bị hạn chế rất nhiều

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Cần tầm nhìn xa hơn

Muốn đi xa được phải có tầm nhìn, tầm nhìn ở đây là từ chính DN và Chính phủ. Nếu quan tâm đến phát triển bền vững, chưa cần cao siêu như việc đổi mới công nghệ mà chỉ cần đổi mới quản trị thì DN đã có khả năng phát triển ở tầm cao hơn, được xã hội công nhận. Muốn kinh tế phát triển thì môi trường kinh doanh cần được cải thiện. Những gì chưa hoàn thiện, còn cản trở sự cạnh tranh không lành mạnh phải được gỡ bỏ. Những nhân tố cạnh tranh bình đẳng phải được cổ vũ, không chỉ bằng huân chương mà quan trọng là ở sự cân đối nguồn lực như đất đai… cho những người phát triển tốt, cho năng suất cao, phát triển bền vững.

Nhiều FTA được ký kết, các DN đứng trước thách thức lớn, nếu không cùng nhau có tầm nhìn cao hơn thì sự phát triển sẽ bị hạn chế đi rất nhiều.

Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương: DN phát triển thì quốc gia phát triển

Tôi cho rằng, phát triển bền vững là làm thế nào để xử lý những vấn đề hiện tại liên quan đến kinh tế, xã hội, môi trường; để làm thế nào hiện tại vẫn phát triển kinh tế tốt, xử lý môi trường tốt, đem lại hạnh phúc và sự hài lòng, ổn định cho thế hệ tương lai. Tầm nhìn ở đây là phát triển tốt kinh tế nhưng vẫn đảm bảo môi trường và để thế hệ tương lai phát triển tốt hơn.

DN là một chủ thể kinh tế quan trọng và tất cả các chính sách xã hội, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đều thực hiện thông qua các hoạt động của các DN, các nguồn lực xã hội đều được DN sử dụng nhiều nhất. Chính vì vậy, nếu như cộng đồng DN phát triển bền vững thì chắc chắn sẽ đem lại sự phát triển bền vững của quốc gia.

Chính vì vậy, thời gian tới, các DN cần phải nâng cao nhận thức. Đồng thời, cần có những chương trình hỗ trợ cho DN phát triển bền vững và đạt được mục tiêu của Chính phủ và mục tiêu cộng đồng DN, trong đó thực hiện tốt Nghị quyết 19 của Chính phủ, đó là đảm bảo môi trường kinh doanh và để DN có tầm nhìn xa hơn, tốt hơn và khắc phục những bất cập liên quan đến vấn đề phát triển bền vững.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa: Phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả

Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng của giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo ở khu vực tư nhân, DN tư nhân cần suy nghĩ nhiều hơn nữa, làm thế nào để thực hiện kinh doanh một cách bền vững. Bởi nếu không chúng ta không thể đạt được các mục tiêu bền vững thì sẽ gặp nhiều khó khăn về môi trường.

Sắp tới, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, bên cạnh những thách thức thì có cơ hội, cần phải nâng cao năng lực cho các DN dù lớn hay nhỏ. Chính sách của Chính phủ thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các chủ thể nền kinh tế như phân bổ nguồn lực hay sử dụng nguồn lực hiệu quả và hướng đến sản phẩm dịch vụ có hiệu quả cao. Cho nên cần quan tâm việc sử dụng nguồn lực hay tạo cơ hội tiếp cận thị trường bình đẳng cho các DN.

Các DN bên cạnh việc đổi mới công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất thì cơ sở hạ tầng và logistics vẫn là rào cản. Các DN cần phải xem khó khăn yếu kém ở đâu và phải làm gì để có thể khắc phục khoảng trống để sản xuất kinh doanh cạnh tranh và chú ý đến trách nhiệm của mình. Các hiệp hội cần hiểu rõ hơn đâu là thách thức, rủi ro trong quá trình hội nhập, giúp các hội viên ứng phó tốt hơn, có thể cung cấp, trao đổi thông tin, tìm ra nhu cầu cũng như điểm mạnh, thị trường ngách để giúp cho DN hội viên có thể phát huy hiệu quả.

Phó tổng giám đốc ICT Viettel Trần Thế Cương: DN phải làm cho khách hàng phát triển

Viettel thành công và có kết quả đạt được như ngày hôm nay là do đã biết hướng kinh doanh đến đối tượng khách hàng là người có thu nhập thấp. Từ đó chúng tôi rút ra một điều là, muốn phát triển bền vững thì DN phải làm cho nhóm khách hàng của mình ngày càng phát triển.

Những năm qua, Viettel có nhiều chương trình kinh doanh. Chúng tôi đầu tư trước, như cung cấp thông tin cho nông nghiệp. Chương trình giúp cho hàng chục triệu gia đình nông thôn có công cụ Internet, từ đó người ta tiếp cận thông tin nông nghiệp thị trường một cách tốt hơn. Viettel không những cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản mà còn tích hợp thiết bị đầu cuối, thông tin chuyên ngành mang tới hộ nông dân với giá rẻ.

Đối với các DN, Viettel cung cấp các gói dịch vụ phần mềm, phần cứng hạ tầng kết nối cho các DN thuê với giá rất rẻ. Nếu như so sánh đầu tư và đi thuê sẽ tiết kiệm 40% chi phí đầu tư. Đấy là cách làm mới của Viettel với các khách hàng DN. Viettel cũng rất quan tâm đối với DNNVV và chúng tôi cam kết cung cấp các dịch vụ và chỉ tính tiền phí dịch vụ khi khách hàng cảm thấy hài lòng.

Chủ tịch Hội đồng DN vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) Vorapong Vorasuntharosoth: Phải suy nghĩ cho tương lai

Phát triển bền vững đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ cho tương lai, suy nghĩ trong mọi quyết định của mình. Và, phát triển bền vững có thể được thúc đẩy thông qua hợp tác và hành động của chính chúng ta.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy hiệu quả của phát triển bền vững, chúng ta cần phải phát triển một công cụ đo lường để ghi lại những nỗ lực của DN trong quá trình này. Do đó, VBCSD đặt kế hoạch xây dựng Bộ chỉ số DN phát triển bền vững của Việt Nam bao gồm các tiêu chí phù hợp với bối cảnh chính trị, xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế cho tất cả các bên liên quan, bao gồm DN, chính quyền, nhà đầu tư và công chúng.

Trường Sơn

Tin đọc nhiều