Doanh nghiệp chế biến gỗ hướng nội

14:00 | 26/11/2018

Dù xuất khẩu tăng, doanh nghiệp chế biến gỗ vẫn xem trọng thị trường nội vì có nhiều dư địa phát triển.

Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của châu Á

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA), Chính phủ đã xác định, chế biến gỗ là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Vì vậy, năm 2017 vừa qua Việt Nam đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp VPA/FLEGT với Liên minh Châu Âu (EU) và Quốc hội cũng đã thông qua Luật Lâm nghiệp sửa đổi, bổ sung thêm Chương Chế biến gỗ. Đây cũng là sự ghi nhận của Nhà nước về vai trò của ngành chế biến gỗ và là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ngành này phát triển mạnh hơn.

doanh nghiep che bien go huong noi
Đồ gỗ xuất khẩu tiếp cận người tiêu dùng Việt

Hiện cả nước có trên 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ, với 95% trong đó thuộc khu vực tư nhân và trên 1.500 doanh nghiệp chuyên chế biến gỗ xuất khẩu. Các thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn của Việt Nam là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… với nhóm sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ thủ công mỹ nghệ. Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay đến hết năm 2019 sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Bởi tại thị trường EU, đồ gỗ nội ngoại thất Việt rất được quan tâm, do sự phát triển về kỹ thuật và thiết kế mẫu mã hơn hẳn so với các nước trong khu vực Châu Á. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất chế biến đồ gỗ Việt Nam hiện đã có khả năng cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao cho thị trường khó tính EU, với nguồn nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ EU và Hoa Kỳ. Đây chính là dư địa tốt để đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới.

Mặc dù thuận lợi trong xuất khẩu, nhưng từ 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp chế biến gỗ đã rất quan tâm và không ngừng mở rộng hệ thống phân phối tại thị trường nội địa. Ông Huỳnh Văn Hạnh nhận định, hàng năm HAWA đều tổ chức các kỳ Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất, số lượng doanh nghiệp lớn tham dự ngày càng đông đảo.

Cụ thể, tại kỳ hội chợ mới nhất vào giữa tháng 11/2018, trong 95 doanh nghiệp tham gia, có đến 20 cái tên đồ gỗ nổi tiếng của Việt Nam trên thị trường thế giới như Scansia Pacific, Đức Lợi, Nguyễn Thanh, Royal Furniture, Square Home, Furniture Maker… Những thương hiệu này đã và đang chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng cũng tích cực tiếp cận khách hàng ở thị trường nội.

Bởi theo ước tính của HAWA, mức tiêu dùng đồ gỗ của thị trường trong nước hàng năm tăng trưởng bình quân từ 8% - 10%/năm trong 5 năm gần đây. Bên cạnh đó, việc ngành bất động sản đang tăng trưởng nhanh chóng cũng sẽ thu hút khoảng 40% lượng đồ gỗ doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ trong nước.

Lợi thế của doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu khi mở rộng thị trường nội địa là mẫu mã hiện đại, nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu đa dạng, có chất lượng tốt, có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp. Doanh nghiệp trong ngành tập trung thu hút mọi thành phần khách hàng trong nước.

Đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng Việt trải nghiệm sản phẩm chất lượng cao, và thông qua đó, nhà sản xuất cũng kịp thời nắm bắt nhu cầu, thị hiếu sử dụng để có những điều chỉnh phù hợp trong chiến lược kinh doanh, nắm bắt cơ hội từ thị trường đầy tiềm năng trong nước.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều