Doanh nghiệp đa dạng kênh tìm vốn

09:10 | 13/07/2016

Trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng, nhiều doanh nghiệp tìm cách huy động vốn bằng nhiều kênh khác thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn vay như trước đây.

Ngân hàng “cộng sinh” cùng doanh nghiệp
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Lợi cả ngân hàng và doanh nghiệp
Bài toán vốn doanh nghiệp niêm yết

Hiện nay, lãi suất cho vay đang dao động trong vùng 9-11%/năm và khả năng giảm thêm như kỳ vọng của nhiều người không hề đơn giản bởi một số nguyên nhân như: lãi suất huy động bình quân các kỳ hạn dài đang nằm trong khoảng 6-8%/năm, lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ (TPCP) hấp dẫn, nhu cầu vay vốn đầu tư hiện cũng khá nhiều…

doanh nghiep da dang kenh tim von

Đối với một số lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay của NH có thể ở mức 6-7%, một số DN có hoạt động ổn định, quy mô lớn cũng có thể vay với lãi suất thấp. Vì vậy, nhiều DN đang tính đến việc huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn vốn NH. Điều này được đánh giá là điểm tích cực trên thị trường vốn, cũng như có thể giảm áp lực cho các NHTM trong bối cảnh lãi suất huy động tăng.

Trường hợp điển hình như CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (CTI) tổng vốn đầu tư của DN này trong năm nay lên đến 1.255 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ mới xấp xỉ 330 tỷ đồng, nhu cầu tăng vốn là tất yếu. CTI đã lên phương án phát hành khoảng 10 triệu CP (tăng vốn thêm 30,3%) với giá phát hành không thấp hơn 20.000 đồng/CP. Như vậy, nếu đợt phát hành này thành công, vốn điều lệ của CTI sẽ tăng lên khoảng 430 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhận định: “Tính chọn lọc cũng như sự phân hoá của thị trường chứng khoán đang được đẩy lên cao. Nghĩa là DN nào có thực lực mới có thể huy động vốn thành công. Nhưng điều này cũng là cơ hội để cho những DN tốt, thông qua hình thức phát hành riêng lẻ, huy động được nguồn vốn đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu phát triển của mình”.

Từ nhận định của TS. Nguyễn Sơn, nếu nhìn rộng hơn sẽ thấy các hoạt động huy động vốn đang được triển khai rất đa dạng với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, ngoài việc phát hành riêng lẻ thì một loạt DN lớn hiện nay cũng trở lại với hình thức chia cổ tức bằng CP hoặc phát hành CP thưởng. Trước đây, hình thức này thường gây ra những hiệu ứng tiêu cực, bởi lẽ nhiều ý kiến cho rằng DN không thực sự làm ra dòng tiền nên phải dùng cách này để trấn an cổ đông.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, khi sự phân hoá giữa các CP trên thị trường đã rõ ràng hơn, nghĩa là DN nào làm ăn hiệu quả đã được xác định thì việc chia cổ tức bằng CP lại đem lại những tác dụng khác.

Hơn 2 tháng trước, Hoà Phát (HPG) đã tiến hành thưởng CP với tỷ lệ 10:3, chia cổ tức bằng CP với tỷ lệ 10:2 rồi chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%. Với cách làm này, cổ đông của HPG vừa có tiền mặt, đồng thời cũng gia tăng được số lượng CP HPG mà mình đang nắm giữ. Còn HPG với vị thế là DN hàng đầu trong ngành thép cũng cần vốn để tiếp tục đầu tư phát triển, duy trì vị thế của mình.

Với những khoản lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng làm ra, HPG cũng đủ nguồn lực để giữ lại, tái đầu tư, tăng vốn. Về phía cổ đông hay NĐT, việc kỳ vọng DN tiếp tục phát triển sẽ dẫn đến việc ủng hộ phương án chia cổ tức bằng CP, vốn là hình thức giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. Một DN làm ăn hiệu quả nếu tiến hành chia cổ tức bằng CP lúc này có thể nhận được nhiều kỳ vọng, sự đồng thuận của cổ đông. Đó cũng là lý do khi HPG, Hoa Sen, hay cả Vinamilk tiến hành chia cổ tức bằng CP hoặc thưởng CP thì giá CP thường có diễn biến tích cực.

Như vậy, ngoài nguồn vốn từ NH, việc thị trường chứng khoán phát triển cũng đã tạo cơ hội để các DN có nhiều kênh, cách thức huy động vốn. Thậm chí, ngay cả với những dự án startup hiện đang được xã hội quan tâm thì hiện cũng có những quỹ đầu tư tìm kiếm và rót vốn, mấu chốt là các dự án phải bộc lộ được sự hấp dẫn của mình.

Quỳnh Vũ

Tin đọc nhiều