Doanh nghiệp điêu đứng vì chính quyền yêu cầu dừng hoạt động?

08:21 | 15/03/2018

Quyết định dừng đột ngột hoạt động sản xuất đối với 2 nhà máy thép Dana – Ý và Dana – Úc mang đến những hậu quả nghiêm trọng.

Người lao động nặng gánh hệ lụy

Những ngày gần đây, dư luận Đà Nẵng nóng lên vì quyết định của UBND TP. Đà Nẵng về việc cho dừng hoạt động sản xuất của 2 nhà máy thép Dana – Ý và Dana – Úc. Hậu quả từ quyết định này là hơn 1.500 lao động của 2 DN bị ngừng làm việc, có khả năng mất việc làm, cuộc sống rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Đơn cử như ông Phạm Phú Thịnh, thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên. Hiện gia đình ông có 4 người làm việc cho 2 nhà máy. Mọi chi tiêu của gia đình ông đều trông chờ vào đồng lương; bây giờ mất việc đồng nghĩa với không có tiền lo cho cuộc sống gia đình và con cái đi học.

Còn chị Hồ Thị Bích Thương, sống tại tổ 1, thôn Vân Dương 2 xã Hòa Liên cho biết, bản thân chị và nhiều người thân đã làm việc cho Công ty Thép Dana - Úc trong nhiều năm. Bây giờ nhà máy ngừng hoạt động chị không biết làm gì, lấy đâu ra thu nhập để lo cho gia đình và cuộc sống. “Tôi mong thành phố xem xét lại và cho nhà máy tiếp tục hoạt động để giúp người lao động như chúng tôi có công ăn việc làm. Đồng thời bố trí cho chúng tôi có nơi ở mới để ổn định cuộc sống”, chị Thương nói.

Hầu hết người lao động tại 2 nhà máy đều có chung sự lo lắng về cuộc sống đang mịt mờ phía trước. Câu chuyện hơn 1.500 công nhân mất việc làm, không có thu nhập, kéo theo hệ lụy của của hàng ngàn gia đình và con em họ sẽ ra sao khi những lao động chính trong gia đình bất ngờ không có thu nhập. Những công nhân của 2 nhà máy đang đối diện với những khó khăn và cần sự quan tâm từ chính quyền thành phố.

doanh nghiep dieu dung vi chinh quyen yeu cau dung hoat dong
Người dân cho rằng nhà máy gây ô nhiễm?

Doanh nghiệp điêu đứng

Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện phải tạm dừng sản xuất của của 2 DN xuất phát từ việc người dân thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) kéo đến bao vây 2 nhà máy sản xuất thép nói trên vì cho rằng 2 nhà máy này gây ô nhiễm môi trường trong qua trình cán luyện thép? Cùng với đó là chính quyền TP. Đà Nẵng chậm trễ trong việc triển khai di dời, giải tỏa đền bù cho những hộ dân khu vực thôn Vân Dương – khu vực lân cận các nhà máy. Việc di dời đã có chủ trương từ năm 2017, đã có phương án thống nhất về lộ trình di dời, giải tỏa các hộ dân trong giữa năm 2018 và việc di dời các nhà máy nói trên được thực hiện trong lộ trình trong 15 năm tới.

Trước tình hình người dân bao vây các nhà máy, chính quyền Đà Nẵng vào cuộc, tổ chức họp dân và sau đó đi đến ban hành các văn bản như: Thông báo số 20/TB-UBND ngày 1/3/2018; Công văn số 1446/UBND-QLĐT ngày 2/3/2018 và Thông báo số 336-TB/TU ngày 2/3/2018 của Thành ủy Đà Nẵng. Theo các văn bản này, chính quyền thành phố yêu cầu 2 nhà máy thép Dana – Ý và Dana – Úc ngừng hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện).

Tuy nhiên, quyết định dừng sản xuất của Đà Nẵng đã đẩy doanh nghiệp đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản khi hàng trăm ngàn tấn nguyên liệu chưa được sản xuất, vốn vay ngân hàng tiếp tục sinh lãi, nhiều đơn đặt hàng đang sản xuất dở dang phải dừng, nguy cơ đền hợp đồng cho các đối tác là điều khó tránh khỏi… Theo thống kê sơ bộ của cả 2 DN thì thiệt hại về kinh tế có khả năng lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thép Dana - Ý cho rằng, chính ông cũng không nghĩ nhà máy bị chính quyền thành phố yêu cầu phải dừng hoạt động sản xuất trực tiếp. Bởi DN xác định chiến lược phát triển bền vững, nên trong những năm gần đây, Dana – Ý đã đầu tư hơn 800 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất thép theo tiêu chuẩn công nghệ của Italy, trong đó có dây chuyền nấu và cán luyện.

Ông Tân chia sẻ, DN tích cóp được đồng nào lại tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp đổi mới công nghệ, hướng tới sự phát triển bền vững. Dana-Ý liên tục cập nhật và áp dụng công nghệ mới, tiệm cận với công nghệ hiện đại bậc nhất đang áp dụng tại các nước tiên tiến trên thế giới. Chẳng lẽ áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại của Italy gắn liền với ô nhiễm?

Điều đáng nói, 2 DN được thành phố cấp phép đầu tư và ưu đãi trong những năm đầu hoạt động sau hàng loạt các hồ sơ kiểm tra, khảo sát của các sở ngành chức năng. 2 DN hoạt động hợp pháp và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư?

Trở lại thời điểm hình thành 2 nhà máy vào năm 2006, Đà Nẵng quyết định xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh mở rộng. Trong giai đoạn 1, các nhà máy Thép Dana-Ý và Dana-Úc đã được yêu cầu di dời đến địa điểm mới. Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng bấy giờ đã ký quyết định bố trí 2 nhà máy thép lên KCN Hòa Khánh mở rộng. Thời điểm đó, có khoảng 160 hộ dân lân cận nhà máy thuộc diện quy hoạch sẽ di dời để mở rộng KCN giai đoạn 2, trồng cây xanh, làm phân tách mềm với KCN.

Tuy nhiên, với lý do KCN thu hút được quá ít nhà đầu tư và nhu cầu phát triển khu dân cư, đô thị mới tăng cao nên một lần nữa Thành phố điều chỉnh quy hoạch dừng mở rộng KCN Hòa Khánh... Vì thế, dân cư cũng không được di dời. Hơn nữa, 150 hộ dân ban đầu phát triển thành 400 hộ và đến nay phát sinh thành 1.200 hộ, hồ sơ phải đền bù vượt quá dự kiến kinh phí ban đầu.

Khi các nhà máy đi vào sản xuất, xung đột xảy ra đỉnh điểm. Năm 2017, để khắc phục những thiếu sót trong quy hoạch giai đoạn trước, UBND TP.Đà Nẵng ra quyết định di dời dân. Lần lượt theo các thông báo số: 197/TB-UBND/2016; 05/TB-UBND/2017; 10/TB-UBND/2017; 1195/TB-UBND-QLĐTư/2017; 730/TB-UBND-QLĐTư/2017 nêu rõ: Thống nhất chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 2 nhà máy theo phương án đề xuất của Sở Tài nguyên môi trường và Sở Xây dựng giải tỏa toàn bộ các hộ dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên tại phía Tây Nam 2 nhà máy thép. Cho phép nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời. Trong thời gian được phép tồn tại, phải có giải pháp nâng cao công nghệ để giảm bớt ô nhiễm môi trường: sau đó thực hiện chuyển đổi công năng sử dụng nhà máy thép sang các loại hình công nghiệp nhẹ, ít ảnh hưởng đến môi trường để đảm bảo theo quy định.

Trước việc thông báo dừng hoạt động sản xuất, Công ty cổ phần Thép Dana-Ý mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng và Hiệp hội Thép Việt Nam làm rõ trong nội dung đơn kiến nghị vừa được gửi lên 2 tổ chức trên.

Theo nội dung phản ánh, quyết định dừng đột ngột hoạt động 2 nhà máy mang đến những hậu quả nghiêm trọng khi hơn 1.500 công nhân có nguy cơ bị ngừng việc thời gian dài hoặc mất việc. DN thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho chi phí di dời, phải đền bù hợp đồng, lãi vay ngân hàng và hàng loạt các vướng mắc phát sinh khác cùng với sự mất uy tín và thương hiệu mà DN dày công xây đắp; môi trường đầu tư bị ảnh hưởng khi thành phố coi năm 2018 là năm đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Công ty cổ phần Thép Dana-Ý mong muốn thông qua các cơ quan chức năng, hiệp hội có tiếng nói kiến nghị lên chính quyền Đà Nẵng xem xét trách nhiệm trong những quyết định điều chỉnh quy hoạch sai lầm trước đây; trách nhiệm trong quản lý dân cư để có quyết định hợp lý, tạo điều kiện cho DN và nhân dân có lộ trình chuyển đổi và di dời phù hợp, tránh những tổn hại về vật chất và tinh thần của các bên liên quan và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Đà Nẵng.

Theo thông cáo báo chí của Sở Thông tin - Truyền thông TP. Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương không để Nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý tiếp tục hoạt động tại thôn Vân Dương, xã Hòa Liên; đồng thời thống nhất hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 2 nhà máy.

Nhằm thực hiện chủ trương nêu trên, UBND thành phố đề nghị các sở, ngành chức năng và các đơn vị liên quan:

1. Thực hiện việc dừng hoạt động của 2 nhà máy theo đúng quy định của pháp luật.

2. Khẩn trương tổ chức đối thoại, thông tin đầy đủ cho người dân, DN kịp thời nắm bắt, ủng hộ chủ trương của thành phố.

3. UBND huyện Hòa vang thực hiện việc kiểm tra, rà soát công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện, nhất là tại khu vực lân cận 2 nhà máy thép Dana Úc, Dana Ý.

4. Rà soát tổng thể, đề xuất phương án xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 3/2018.

5. Công an thành phố phối hợp với các ngành chức năng và địa phương triển khai công tác rà soát, nắm chắc địa bàn, có phương án xử lý kiên quyết các đối tượng có biểu hiện kích động, gây rối an ninh trật tự tại khu vực.

Bài và ảnh Chí Thiện

Tin đọc nhiều