Doanh nghiệp đồ chơi Việt khó ở sân nhà

16:00 | 24/05/2018

Mặc dù cả nước có trên 200 doanh nghiệp sản xuất đồ chơi (có đăng ký sản xuất kinh doanh), nhưng người tiêu dùng chỉ biết đến một vài thương hiệu như đồ chơi. Giá cả chủ yếu phù hợp với đối tượng khách hàng trung lưu.

Doanh nghiệp nhựa yếu thế ở sân nhà
Thời trang Việt quyết liệt giữ “sân nhà”
Chiến lược “sân nhà” phù hợp

Tại buổi công bố hợp tác với 2 thương hiệu Walt Disney và Marvel về việc sử dụng hình ảnh nhân vật siêu anh hùng Avengers và công chúa Princess lên sản phẩm nhựa Đại Đồng Tiến hồi đầu tháng 5/2018, ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc cho biết, Đại Đồng Tiến hiện là doanh nghiệp ngành nhựa đầu tiên của Việt Nam trở thành đối tác sử dụng hình ảnh của 2 hãng phim nổi tiếng thế giới là Walt Disney và Marvel in lên sản phẩm gia dụng (tủ, kệ, mặt bàn...). Hình ảnh các nhân vật đến từ những bộ phim lừng danh của hai hãng này sẽ tạo một làn gió mới, hấp dẫn cho sản phẩm nhựa gia dụng Việt Nam.

doanh nghiep do choi viet kho o san nha
Dù có trên 200 doanh nghiệp nhưng giá cả đồ chơi Việt chỉ phù hợp với khách hàng trung lưu

Ngoài ra, công ty cũng trang bị dây chuyền, máy móc hiện đại để sản xuất đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, ở mảng này, công ty chỉ làm hàng gia công cho nước ngoài, không tiêu thụ nội địa, mặc dù biết thị trường đồ chơi trẻ em trong nước rất giàu tiềm năng.

Nguyên nhân chính là do đặc điểm của đồ chơi trẻ em là thay đổi nhanh, phải liên tục có mẫu mã mới, giá bán rẻ, phù hợp nhiều lứa tuổi. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất thường phải mất từ một đến hai tháng để có mẫu mới, cùng kinh phí đầu tư sản xuất, tiếp thị, quảng bá sản phẩm cao, kèm với nguyên phụ liệu đôi khi phải nhập khẩu, khiến giá thành đồ chơi Việt không hề rẻ, nên nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất hàng xuất khẩu (mẫu mã sẵn có, số lượng hàng lớn, nguồn cung nguyên phụ liệu ổn định...).

Tìm hiểu thị trường đồ chơi trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay cho thấy, có hai phân khúc chính và đều thuộc về hàng ngoại. Ở phân khúc cao cấp là hàng nhập khẩu từ các nước Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản do một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn như Công ty TNHH Việt Tinh Anh (qua chuỗi cửa hàng My Kingdom) độc quyền phân phối các thương hiệu đồ chơi Lego, Siku, Moxie Girlz, K’s Kids; Công ty An Điền chuyên phân phối đồ chơi Nhật Bản thương hiệu Tomy, Bandai, Epoch; hay các chuỗi cửa hàng Funny Land chuyên kinh doanh nhãn hiệu đồ chơi Barbie, Hotwheels, Disney...; chuỗi Petrosetco kinh doanh đồ chơi Đức như BIG, Fischertechnik, Teifoc... Phân khúc này có đủ loại đồ chơi trí tuệ, vận động và đồ chơi búp bê mô phỏng hình ảnh nhân vật trong phim như siêu nhân, chú bé rừng xanh, công chúa rất hấp dẫn trẻ em. Giá bán sản phẩm ở phân khúc này rất cao từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/bộ hay món.

Ở phân khúc đồ chơi bình dân, giá bán rẻ có đến 90% là đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Và hầu hết trẻ em Việt Nam hiện nay đang sử dụng sản phẩm loại này. Đồ chơi Trung Quốc đa dạng mẫu mã, dành cho mọi lứa tuổi, từ đồ chơi đơn giản (trái bóng, thú bông, quả cầu) đến phức tạp (xe tập đi, bộ lắp ráp, robot điều khiển); giá bán từ vài nghìn đến vài trăm nghìn đồng/món.

Trở lại với đồ chơi Việt, mặc dù cả nước có trên 200 doanh nghiệp sản xuất đồ chơi (có đăng ký sản xuất kinh doanh), nhưng người tiêu dùng chỉ biết đến một vài thương hiệu như đồ chơi nhựa Chợ Lớn, đồ chơi gỗ Đức Thành, ETIC Việt Nam, đồ chơi công nghệ cao Robot Tosy hay Tia Sáng... Giá cả chủ yếu phù hợp với đối tượng khách hàng trung lưu (giá đồ chơi gỗ Việt Nam từ 150.000 đồng - 550.000 đồng/món).

Ở nhóm sản phẩm đồ chơi gỗ, các nhà sản xuất như Đức Thành, Etic có lợi thế về nguyên liệu, có trang thiết bị sản xuất hiện đại, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn cho trẻ (tiêu chuẩn của thị trường châu Âu), nhưng tiêu thụ nội địa vẫn rất ít, chủ yếu là xuất khẩu, vì ở thị trường trong nước không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.

Theo ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Etic, hàng tháng công ty cung cấp khoảng 10.000 sản phẩm đồ chơi gỗ ra thị trường phục vụ khách hàng cả trong nước và quốc tế. Thực tế, năng lực của doanh nghiệp sản xuất đồ chơi Việt hiện nay là rất lớn, nhưng hầu hết đều tập trung xuất khẩu. Như công ty đồ chơi công nghệ cao Robot Tosy đã xuất khẩu sản phẩm đến 60 quốc gia trên thế giới, nhưng hầu như không có mặt ở thị trường nội địa.

Được biết, hiện nay có đến 90% đồ chơi trên thế giới được sản xuất từ Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này đều sản xuất hàng loạt, số lượng nhiều, giá thành rẻ, cạnh tranh được với mọi đối thủ. Vì vậy doanh nghiệp Việt đã chọn sản xuất gia công xuất khẩu theo đơn đặt hàng.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều