Doanh nghiệp Hàn rộng đường vào Việt Nam

11:19 | 08/08/2019

Với chính sách đầu tư hướng Nam của Chính phủ Hàn Quốc, thì việc đầu tư vào Việt Nam vừa có nền tảng vững chắc, vừa rộng mở trong tương lai.

Ông Vũ Xuân Đặng, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, nhìn lại hơn 30 năm lịch sử của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì Hàn Quốc không phải nhà đầu tư đầu tiên ở Việt Nam, nhưng đến nay lại là quốc gia dẫn đầu về FDI với 64 tỷ USD tổng vốn đăng ký tính cho đến nay. Và nếu trước đây, 50% dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất (may mặc, giày dép, túi xách…), thì đến nay, vốn đầu tư đã chuyển hướng đến đa dạng các lĩnh vực ngành nghề như điện tử, sản xuất ô tô, hàng tiêu dùng, dịch vụ du lịch. Và các chuyên gia dự báo y tế sẽ là lĩnh vực thu hút mạnh FDI Hàn Quốc trong thời gian tới.

doanh nghiep han rong duong vao viet nam
Ảnh minh họa

Với chính sách đầu tư hướng Nam của Chính phủ Hàn Quốc, thì việc đầu tư vào Việt Nam vừa có nền tảng vững chắc, vừa rộng mở trong tương lai. Cụ thể, bên cạnh các khoản đầu tư lớn trị giá hàng tỷ USD của những tập đoàn đa quốc gia như: Samsung, Lotte, Kumho… thì đến lượt các DNNVV bằng nhiều hình thức (nhượng quyền thương mại, góp vốn đầu tư hay mở chi nhánh, chuỗi cửa hàng bán lẻ…) cũng đang tích cực tiếp cận thị trường Việt Nam. Hai nhóm DN này khi đầu tư cùng nhau sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và bổ sung cho nhau. Hiện nay tại Việt Nam đã có gần 10 nghìn DN Hàn Quốc tham gia đầu tư kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, dịch vụ du lịch, sản xuất ôtô và hàng điện tử… Bên cạnh đó, thì các tập đoàn tài chính ngân hàng, chứng khoán của Hàn Quốc sẽ theo sau để đáp ứng nhu cầu của DN.

Theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc (Korcham) tại Việt Nam, hiện Việt Nam đang là thị trường hàng đầu mà DN Hàn Quốc hướng đến. Không chỉ trong đầu tư phát triển sản xuất, mà những DNNVV, các hộ sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, quán cà phê, nhà hàng Hàn Quốc… đều đang muốn chọn Việt Nam để mở rộng thị trường tiêu thụ. Điều này rất dễ thấy khi nhìn thị trường bán lẻ, du lịch và ẩm thực Việt Nam hiện đã có gần 15% sự tham gia của DN Hàn Quốc. Mỗi năm, Korcham đều tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ (y tế, du lịch, thẩm mỹ...) của Hàn Quốc đến người tiêu dùng Việt tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Lợi thế của DN Hàn khi tham gia thị trường Việt Nam là ngoài việc tương đồng về văn hóa giữa 2 quốc gia, còn có sự tác động tích cực của nền công nghiệp điện ảnh, âm nhạc, thời trang… đến người tiêu dùng Việt.

Tại Việt Nam ngoài Korcham, còn có Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) đang hoạt động sôi nổi, hỗ trợ DN Hàn Quốc tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng thị trường Việt Nam. Ông Lee Jonggun - Tổng giám đốc Kotra cho biết, Việt Nam có thị trường rộng lớn, dân số trẻ và tầng lớp người dân có thu nhập khá cao đang tăng nhanh trong vòng 5 năm qua. Ở phân khúc thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng, điện tử, thời trang, hay dịch vụ du lịch, thẩm mỹ… DN Hàn Quốc nhìn thấy rất nhiều tiềm năng và đang tập trung khá tốt.

Ở phân khúc cao cấp và hiện đại hơn thì DN Hàn Quốc có ưu thế về vốn, tri thức và công nghệ… Họ đã nhìn thấy ở Việt Nam một cơ hội vàng với thị trường 100 triệu dân và mỗi người tiêu dùng sẽ là người tiêu dùng cao cấp và sẽ lớn mạnh rất nhanh cùng sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, lĩnh vực y tế (sản xuất, nghiên cứu phát triển thuốc, y dược học cổ truyền) đang là hướng tăng đầu tư của DN Hàn Quốc vào Việt Nam, thu hút người tiêu dùng Việt.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều