Doanh nghiệp - hạt nhân kinh tế đất nước

20:00 | 02/05/2015

Doanh nghiệp có khỏe mạnh, nền kinh tế đất nước mới phát triển bền vững

Nghị quyết số 19/NQ - CP của Chính phủ ban hành mới đây (ngày 12/3/2015) đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao vị thế, sự phát triển của cộng đồng DN nhằm thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên thương trường quốc tế. Như vậy, trong môi trường hội nhập mới, vai trò, sự đóng góp của các DN đối với phát triển kinh tế - xã hội, cũng như khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới có một phần đóng góp không nhỏ của các DN – những “hạt nhân” của nền kinh tế đất nước.

doanh nghiep hat nhan kinh te dat nuoc
DN rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý thông suốt

Tuy nhiên, để có được vị thế này, không ít DN Việt Nam đã trải qua thời kỳ gian khó, thậm chí không được xã hội nhìn nhận đúng với những gì mà DN đã cống hiến cho xã hội, cho nền kinh tế đất nước. Bởi, trong tiềm thức của nhiều người hay sự xếp hạng mà xã hội nhìn nhận, đánh giá đối với từng lĩnh vực ngành nghề thì vai trò của người làm kinh doanh, thương nghiệp trước đó bị xếp ở vị trí sau chót “sĩ – nông – công – thương”.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vượt qua chính rào cản này cũng như biến nó thành động lực thúc đẩy, cộng đồng DN cả nước đã vươn lên, khẳng định mình, làm giàu cho bản thân và đóng góp không ngừng cho công cuộc phát triển đất nước. Giờ đây, quan niệm đã có sự thay đổi khi thực tế chứng minh rõ ràng “phi thương bất phú”. Mỗi thành phần kinh tế trong xã hội dù lớn hay nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp hay nông nghiệp, ở thành thị hay nông thôn… đều có một vai trò và đóng góp nhất định đối với nền kinh tế đất nước thông qua nhiều loại hình hoạt động kinh doanh khác nhau và tuân thủ theo quy định pháp luật.

"Nếu không có giao thương, kinh doanh buôn bán, không có sự đóng góp của cộng đồng DN thì xã hội, quốc gia không thể có nguồn thu, phát triển và giàu mạnh được" - ông Hưng nói.

Không riêng gì tại Việt Nam mà đối với nhiều quốc gia, DN có vị trí đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế và là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đặc biệt trong những năm gần đây, hoạt động của DN đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần giải phóng và thúc đẩy sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quyết định vào sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao vị thế năng lực quốc gia... Bàn về vấn đề này,

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, cùng với quyết tâm của Chính phủ, các cấp ngành, nhất là với sự nỗ lực của cộng đồng DN đã góp phần giữ ổn định vĩ mô, từng bước phục hồi và phát triển sản xuất, tạo tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất giảm, cán cân thương mại thặng dư, nhất là niềm tin nhà đầu tư được cải thiện. Mặc dù vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nhìn chung vẫn còn khó khăn, cần có các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ để có thể duy trì động lực phát triển. Song bên cạnh đó, với xu hướng “thanh lọc” đang diễn ra mạnh mẽ, đã góp phần tạo ra sàng lọc theo chiều hướng tích cực để những DN thực sự có chất lượng, không chỉ linh hoạt tồn tại qua giai đoạn khó khăn mà còn tìm kiếm thêm cơ hội mới để mở rộng quy mô, khẳng định vị thế trên thương trường.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh của DN là yếu tố đóng vai trò quyết định. Do đó, nâng cao sức cạnh tranh không còn là việc của riêng DN, mà đòi hỏi sự chỉ đạo của Nhà nước, sự ủng hộ, nỗ lực của các tổ chức ngành nghề và người lao động. Có nâng cao năng lực cạnh tranh của DN mới nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, người lao động có việc làm, thu nhập, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước ổn định. Nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do WTO, FTA, TPP…

Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), trong quý I/2015, cả nước có 19.049 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 111.218 tỷ đồng (tăng 13,5% so với cùng kỳ), về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/DN trong năm qua đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, xét trên khía cạnh số lượng và quy mô vốn, đến nay DN Việt Nam đã tăng lên đáng kể, cũng như không ngừng mở rộng và lớn mạnh.

Mặc dù vậy, để các DN phát huy hết khả năng, vai trò, sáng tạo trong thời kỳ mới, các DN vẫn luôn mong mỏi sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành tạo điều kiện, hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định lâu dài, hỗ trợ tiếp cận tài chính, đổi mới công nghệ, năng lực quản trị… giúp DN củng cố khả năng, có môi trường thuận lợi yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp cho đất nước và xã hội.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Gạch Đồng Tâm cho biết, bản thân mỗi DN luôn ý thức rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và đất nước. Chính vì vậy, trước tiên, bằng việc nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm tốt, được thị trường đón nhận là việc làm thiết thực đầu tiên.

Đồng thời, DN không ngừng đổi mới, mở rộng quy mô, tăng doanh thu lợi nhuận nhằm đóng góp cho nguồn thu của đất nước, tham gia tích cực các hoạt động xã hội theo phương châm “DN phải mạnh, đất nước mới giàu”. Song DN cũng rất cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý thông suốt nhằm giúp các DN Việt Nam có thể nhanh chóng biến suy nghĩ thành hành động. Từ đó, nâng cao năng lực, phát huy trí tuệ kết tinh trong từng sản phẩm, đưa thương hiệu, tên tuổi của DN mình tiếp cận với thị trường thế giới để bạn bè quốc tế biết đến một Việt Nam có đủ bản lĩnh và năng lực hội nhập quốc tế.

Thanh Tuyết

Tin đọc nhiều