Doanh nghiệp làm gì để đón sóng?

10:13 | 22/04/2015

Ý tưởng làm ăn kiểu đầu cơ cản bước doanh nghiệp Việt.

“Đề nghị đại diện DN chúng ta không gửi lên các câu hỏi về việc nên đầu tư vào vàng hay đô la nữa!”, người dẫn chương trình nửa đùa, nửa thật nói với đại diện các DN tại hội thảo “Định hướng phát triển DN trong tình hình kinh tế mới” do Trường doanh nhân PTI tổ chức vừa qua.

Điều này có lẽ là trái với dự tính của ban tổ chức chương trình, tuy nhiên, các diễn giả không quá bất ngờ với các câu hỏi này khi cho biết “chúng tôi cũng hay phải trả lời các vấn đề tương tự khi gặp gỡ DN”.

doanh nghiep lam gi de don song
Năm 2015, nhiều cơ hội kinh doanh đang rộng mở với DN

Chính những câu hỏi có phần vô tư của nhiều lãnh đạo DN, lại là điều mà nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại hơn cả, khi “định hướng phát triển DN” vẫn được nhiều người ngầm hiểu là tìm kiếm kênh đầu cơ. Thay vì chuyên tâm vào sản xuất kinh doanh, nhiều DN vẫn mong có thể tìm cách kiếm tiền nhanh chóng qua vài động tác “gom hàng, đón sóng”.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cảnh báo, nếu DN Việt Nam cứ hài lòng với kiểu làm ăn dễ dãi thì tương lai nền kinh tế sẽ còn tụt hậu xa hơn. Nói về động thái của DN trước ngưỡng cửa hội nhập, ông Thiên cho rằng, đừng nhìn vào thái độ ủng hộ mạnh mẽ của DN mà vội mừng. “DN của ta chưa tính toán cụ thể lợi ích, thiệt hại gì cả, tặc lưỡi mà làm, cho rằng chỉ cần can đảm, dám đương đầu là làm được, nhưng thật ra không thể cứ đâm đầu vào bụi gai. Tình huống của chúng ta hiện nay như thế. Tôi phải nói thẳng để kích động theo một chiều khác”, ông Thiên nói mạnh mẽ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng lo ngại với tình hình DN trong nước cứ loay hoay như hiện nay, thì những nỗ lực của đoàn đàm phán TPP mà ông là cố vấn cao cấp, sẽ trở thành dọn cỗ cho DN FDI. Ông khẳng định, cơ hội cho DN trong nước đang mở ra rất lớn khi các hiệp định đang đàm phán hiện nay bao quát gần hết các thị trường thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Vì vậy, hội nhập sâu rộng hơn đồng nghĩa với việc vốn FDI sẽ chảy vào mạnh hơn.

“Khi đầu tư nước ngoài tăng lên sẽ tạo ra thị trường cho sản xuất của DN trong nước. Không phải cái gì NĐT nước ngoài cũng mang vào đất nước ta, họ cần tìm dây chuyền ngay trong nước với chi phí rẻ hơn. Nếu không chủ động vươn lên, tái cơ cấu, sẽ thua ngay trên sân nhà”, ông Tuyển khuyến cáo.

Khảo sát thực tế cho thấy xu thế FDI liên kết nội địa đang tăng lên. Theo khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, DN được yêu cầu liệt kê các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trung gian của mình. Có tới 88% DN FDI sử dụng dịch vụ, hàng hóa trung gian của các nhà cung cấp trong nước, bao gồm DNNN, DN nội địa và các DN hộ gia đình. Năm 2011, con số này chỉ là 42%. Khả quan hơn nữa, các nhà cung cấp tư nhân trong nước còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nhà cung cấp (61%) so với 11% nhà cung cấp là DNNN năm 2014.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương bổ sung, chưa bao giờ cơ hội kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận tốt và cao như hiện nay. Ông đưa ra lời khuyên, nếu thực sự muốn tiếp cận, thì thuế mới chỉ là yếu tố đơn giản nhất mà DN cần chú ý. Để tận dụng được ưu đãi thuế, DN còn phải quan tâm tới yếu tố nguyên tắc xuất xứ của sản phẩm hàng hoá. Thứ hai là yếu tố tiêu chuẩn và kỹ thuật. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm tới nhu cầu, tăng trưởng của đối tác và vấn đề tỷ giá.

Ngoài ra, các ngành nghề mới liên quan đến lợi thế của Việt Nam như du lịch; hoặc ngành được kỳ vọng nhiều với sự phát trển của thương mại đầu tư là logistic. Theo đánh giá của các chuyên gia, không quốc gia nào ở Asean có lợi thế về lĩnh vực này như Việt Nam. “Đừng hiểu cơ hội chỉ là làm vệ tinh cung cấp hàng hóa đầu vào cho DN FDI, có lĩnh vực chúng ta xuất khẩu phần nhiều là cung cấp dịch vụ cho FDI tại chính đất nước ta”, ông Thành nói.

Ông cũng lưu ý DN 2 điều. Thứ nhất, đừng quên rằng Chính phủ là nhà tiêu dùng đầy tiềm năng của DN và NĐT lớn nhất. Hiện tổng đầu tư xã hội hàng năm khoảng 70 tỷ USD, thì đầu tư của Nhà nước là gần 25 tỷ. Một ví dụ nhỏ, với lĩnh vực công nghệ thông tin, theo chủ trương chung là các cơ quan Nhà nước sẽ thuê ngoài để DN làm, thay vì tự làm.

Thứ hai, theo ông Thành, để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì len chân vào với các tập đoàn đa quốc gia từ châu Á là rất khó khăn, vì nói chung họ đã có sẵn mạng của mình. DN không nên chỉ mải chạy theo các DN này mà quên các DN châu Âu và Hoa Kỳ, những đối tác tiềm năng đang cần thiết lập mạng sản xuất tại châu Á.

TS. Võ Trí Thành nói vui, việc tham gia không sót một đối tác quan trọng nào trong các FTA cho thấy sự dũng cảm tới mức “hơi liều lĩnh” của Việt Nam, tuy nhiên điều này cũng tạo lợi thế kết nối cho DN Việt. Thực tế là các DN lớn đã tận dụng được cơ hội từ thị trường Asean rất nhiều. Hiện nay Việt Nam đang là NĐT FDI trong top đầu ở Campuchia, Lào. Thậm chí ở một số lĩnh vực dịch vụ phát triển thì Việt Nam cũng vẫn có thể chen chân vào khá thành công ngay cả tại các thị trường phát triển. “Đơn cử như FPT đầu tư ở Singapore, miếng bánh công nghệ thông tin rất to, FPT mới chỉ “ăn” chưa tới 10%, song đã tạo ra lợi nhuận đáng kể”, ông Thành dẫn chứng.

Với những cơ hội kinh doanh hiển hiện như vậy, nhưng DN Việt số đông vẫn là tận dụng cơ hội kinh doanh kiểu xuất hiện “chớp nhoáng trên bàn nhậu” để kiếm tiền. Xem ra đã đến lúc DN cần thay đổi chiến lược phân tích, nghiên cứu kinh doanh để tìm ra cơ hội. Việc kết hợp với thế mạnh về độ nhạy cảm, tính hoạt cao sẽ trợ lực cho DN Việt vươn lên, chiến thắng trong cuộc chơi mới.

Khanh Đoàn

Tin đọc nhiều