Doanh nghiệp làm gì sau khi bán cổ phần

08:40 | 08/04/2015

Hàng loạt thương hiệu Việt lừng lẫy trong sản xuất, kinh doanh bán lẻ, hàng thực phẩm, tiêu dùng như Kinh Đô, Nguyễn Kim, Cholimexfoods, Bibica… đã thay đổi chủ đầu tư. 

doanh nghiep lam gi sau khi ban co phan
Ảnh minh họa

Với người tiêu dùng, dù ai đầu tư mới những thương hiệu này cũng không quan trọng bằng chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà họ sẽ cung cấp trong thời gian tới. Với DN bán cổ phần (và cả DN mua cổ phần) đều đã khẳng định tên tuổi, vị thế của mình trên thị trường.

Từ đây, nhiều DN tiếp tục khẳng định thương hiệu sau khi cơ cấu lại và đẩy mạnh hoạt động sản xuất những sản phẩm cùng dòng sản phẩm cũ, tận dụng thương hiệu và thị phần đã có từ trước.

Trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, thương hiệu Cholimexfoods là một trong những DN sản xuất nước chấm và gia vị phát triển nhanh nhất Việt Nam, với các sản phẩm tương ớt, nước chấm, tương cà... Tiếp đến, Cholimexfoods sản xuất hàng thực phẩm đông lạnh (chả giò, chạo tôm, mực khô ăn liền…), rồi đến thương hiệu nước tương Hương Việt… và trở thành một trong những DN hàng đầu Việt Nam sản xuất kinh doanh gia vị, nước chấm.

Kế hoạch đặt ra của Cholimexfoods giai đoạn 2014 – 2016 là đầu tư 59 tỷ đồng xây dựng xưởng nước sốt có công suất 100 triệu chai/năm, 37 tỷ đồng vào xưởng chế biến thực phẩm đông lạnh 5 tấn/ngày, 16 tỷ đồng cho kho lạnh 500 tấn. Những thế mạnh này đã giúp Cholimexfoods chọn đối tác để bán cổ phần là Masan Consumer.

Sau khi mua lại Cholimexfoods, Masan Consumer khẳng định, sẽ giữ vững thương hiệu mạnh, đại diện cho giá trị hàng Việt Nam là Cholimex. Trên thị trường bán lẻ hàng gia vị, thực phẩm đông lạnh hiện nay, thương hiệu Cholimex vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Một thương hiệu bánh kẹo lớn của Việt Nam là Kinh Đô cũng đã có sự thay đổi chủ đầu tư ở mảng bánh kẹo từ cuối năm 2014 sau việc bán thành công 80% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng ngay sau đó, Kinh Đô quảng bá mạnh mẽ, tung ra thị trường nội địa dòng sản phẩm mới là mì ăn liền Đại gia đình, thương hiệu Kido.

Dòng sản phẩm mì ăn liền Kido là bước đầu tiên ra thị trường thời “hậu Kinh Đô”, nằm trong chiến lược tham gia vào các ngành hàng thiết yếu theo chiến lược Food & Flavor. Chiến lược này nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn đồng thời phát triển thêm danh mục sản phẩm để có thể phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Và theo nguồn tin riêng, thời gian tới Kinh Đô sẽ chuyển hướng vào ngành thực phẩm thiết yếu ngoài mì gói như: dầu ăn, nước chấm và nhiều sản phẩm khác mang thương hiệu Kido.

Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, vụ mua bán thương hiệu Trung tâm điện máy Nguyễn Kim ban đầu đã khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, khi nhìn vào đối tác mua cổ phần của Nguyễn Kim là Central Group với kinh nghiệm của thương hiệu bán lẻ PowerBuy thì không còn bất ngờ nữa.

Thương hiệu này là chuỗi điện máy hàng đầu ở Thái Lan, hàng hóa kinh doanh của họ tại nước sở tại đa dạng về số lượng và chủng loại hơn hẳn Nguyễn Kim ở thị trường Việt Nam. Đối tác mua Nguyễn Kim đang hướng đến chiến lược tận dụng thị phần sẵn có từ Nguyễn Kim (chiếm 30% - 40% thị phần kinh doanh điện máy Việt Nam) để mở rộng mạng lưới kinh doanh hàng điện máy kết hợp thời trang và đa dạng ngành hàng khác.

Theo ông Lê Phạm Anh Thy – Giám đốc Marketing Nguyễn Kim, thời gian tới, nhà đầu tư mới đã đề ra chiến lược sẽ mở rộng thêm nhiều trung tâm điện máy Nguyễn Kim trên cả nước.

Ông Hong Won Sik, Tổng giám đốc Lotte Mart Việt Nam (DN vừa mua lại Trung tâm thương mại Diamond Plaza tại TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nhà đầu tư mới nhất định là những DN không chỉ có tiềm lực tài chính vững mạnh, mà còn có chiến lược kinh doanh dài hơi, bền vững tại thị trường Việt Nam.

Thay vì bắt tay xây dựng một hệ thống kinh doanh hàng hóa hay thương hiệu bán lẻ mới sẽ mất thời gian quá lâu và tốn kém, vì vậy, trong xu thế hiện nay là mua bán, sáp nhập DN, chúng tôi chọn cách mua lại DN để đẩy nhanh kế hoạch kinh doanh, mở rộng tại thị trường Việt Nam. Và cho dù là nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước, thì mục tiêu chúng tôi hướng đến là kinh doanh thành công và chính người tiêu dùng sẽ mang lại cho chúng tôi điều đó.

Chính vì vậy, khi mua lại DN trong nước đã có nền tảng thương hiệu vững chắc, thì xem như DN nước ngoài đã có nền móng tốt để phát triển.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều