Doanh nghiệp lớn tìm thị trường ngách

13:00 | 16/09/2019

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp lớn bắt đầu rót vốn vào các thị trường ngách như một kênh đầu tư mới với kỳ vọng bổ sung thêm doanh thu cũng như để phát triển hơn nữa thương hiệu, hoàn thiện chuỗi giá trị đầu tư hay cải thiện biên lợi nhuận thêm vài điểm phần trăm.

Thủy sản phát triển thị trường ngách
Thị trường ngách và cơ hội cho hãng hàng không mới
doanh nghiep lon tim thi truong ngach
Ảnh minh họa

Điển hình cho xu thế mới này là ông lớn ngành bán lẻ Thế giới Di động. Chứng kiến thị trường điện máy và điện thoại đang bước vào giai đoạn bão hòa, thương hiệu bán lẻ hàng đầu này gây sốc cho nhiều người khi mở thêm các chuỗi cửa hàng nhỏ mới nhằm phân phối thêm các sản phẩm có giá rẻ để mở rộng thêm thị phần.

Đó là sự kiện mở chuỗi Dienthoaisieure.com với các sản phẩm điện thoại nằm ở phân khúc cấp thấp và tầm trung, từ 8 triệu đồng trở xuống. Các cửa hàng của chuỗi này có diện tích nhỏ (20 m2), được thiết kế một cách tối giản để tiết kiệm chi phí. Hiện tại khoảng 40% thị phần của thị trường điện thoại đang nằm trong tay các cửa hàng nhỏ lẻ không có thương hiệu nên Thế giới Di động kỳ vọng sẽ sớm giành được lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, công ty còn đẩy mạnh phân phối thêm hàng loạt các sản phẩm khác như đồng hồ, mắt kính và gần đây nhất là đẩy mạnh thêm mảng Laptop. Các sản phẩm phụ dự kiến sẽ mang lại hàng nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho công ty, đồng thời giúp tận dụng không gian, mặt bằng sẵn có của các chuỗi Thegioididong.com và Dienmayxanh.com.

“Chúng tôi đánh giá cao mô hình shop-in-shop này, bởi nó giúp gia tăng doanh thu của cửa hàng mà không cần đầu tư quá nhiều cho mặt bằng, nhân viên... miễn là công ty chọn được sản phẩm phù hợp và tối ưu hóa diện tích trưng bày của cửa hàng. Biên lợi nhuận theo đó cũng được mở rộng”, công ty chứng khoán ACBS nhận định.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Thế giới Di động, 6 tháng đầu năm 2019, Công ty này ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 51.727 tỷ đồng (tăng trưởng 16% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.121 tỷ đồng (tăng trưởng 38% so với cùng kỳ). Biên lợi nhuận ròng nửa đầu năm ở mức 4,1%, tăng 0,6% so với mức 3,5% cùng kỳ năm 2018.

Trên thị trường hàng không, hãng bay giá rẻ Vietjet Air cũng cho thấy các dấu hiệu lấn sân thêm các thị trường ngách để mở rộng nguồn thu. Mới đây hãng đã có văn bản xin phép Cục Hàng không cho hãng này được triển khai tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh từ 1/1/2020. Việc này nhằm tăng tính chủ động, tăng năng lực phục vụ theo kế hoạch, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và uy tín của ngành hàng không Việt Nam tại các sân bay lớn.

Với mức độ cạnh tranh lớn của ngành hàng không hiện nay, mảng cung cấp các dịch vụ mặt đất chính là một chiếc bánh béo bở để các nhà kinh doanh khai khác. Nếu được cho phép và tham gia thành công vào lĩnh vực đang độc quyền bởi doanh nghiệp nhà nước, Vietjet sẽ có thể hoàn thiện hơn nữa chuỗi kinh doanh hàng không, đồng thời mỗi năm sẽ nhận thêm được vài nghìn tỷ doanh thu từ tay của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Xu thế mở rộng doanh thu còn thấy ở ông lớn trong ngành xây dựng dân dụng Coteccons. Đối phó lại thực trạng tăng trưởng có phần chậm lại của thị trường xây dựng, doanh nhiệp này đã tích cực khai phá thêm các ngành hàng mới trong thời gian qua. Hiện tập đoàn này đã có thành viên hoạt động trong mảng sản xuất nhôm kính (BM Window) và mảng nội thất là BOHO.

Công ty đồng thời có kế hoạch đầu tư vào một số bất động sản thương mại, nhà ở thông qua thành viên mới thành lập là Covestcons. Mục đích của tập đoàn là mở rộng sang mảng kinh doanh cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn đồng thời giúp ổn định lợi nhuận hơn bằng cách mua lại một số bất động sản đầu tư để kinh doanh hoặc bán lại ở mức giá hợp lý.

“Sự lấn sân sang mảng bất động sản đầu tư này có thể là chìa khóa cho tăng trưởng dài hạn tuy nhiên thời gian triển khai có thể kéo dài trong nhiều năm”, công ty chứng khoán HSC đánh giá.

Nam Minh

Tin đọc nhiều