Doanh nghiệp ngành dược làm chủ thị trường nội

12:00 | 25/07/2019

Đã có 50% thuốc dùng ở Việt Nam được sản xuất nội địa, đáp ứng đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới

Vietnam Medi-pharm Expo 2019 đột phá về công nghệ
Phát triển thị trường dược liệu
Bán thành công 850.000 cổ phần của Dược phẩm Trung Ương 3

Hiện nay, người Việt Nam đang ngày càng nâng mức chi tiêu cho các vấn đề về sức khỏe, mở ra một thị trường tiềm năng với các doanh nghiệp ngành dược phẩm.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), từ nay đến năm 2021 ngành dược sẽ tăng trưởng khoảng 10,6%, chi tiêu cho thuốc bình quân đầu người Việt Nam ở mức 14% tổng thu nhập. Tuy Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi, nhưng dân số đang bước vào giai đoạn già hóa, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên dự kiến đạt 21% vào năm 2050, đồng nghĩa với nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang tăng lên. Cùng với đó, hiện sức khỏe luôn là một trong hai mối quan tâm hàng đầu của người Việt.

doanh nghiep nganh duoc lam chu thi truong noi
Ảnh minh họa

Hiện nay, mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế của người dân Việt Nam cũng có xu hướng tăng lên, do thu nhập bình quân đầu người và trình độ dân trí được cải thiện, trong khi môi trường sống ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao làm gia tăng ngày càng nhiều loại bệnh tật…

Đây chính là các yếu tố chính dẫn đến sự phát triển tất yếu của ngành dược. Nếu năm 2010, người Việt chi tiêu cho thuốc bình quân đầu người theo năm là 22,25 USD thì đến năm 2020 dự báo sẽ tăng đến 85 USD và đến 163 USD vào năm 2025, đưa thị trường dược phẩm Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về tốc độ tăng trưởng.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, từ năm 2017 trở về trước, doanh nghiệp dược Việt Nam chưa chủ động được ở thị trường nội địa do phải cạnh tranh cao với nhóm dược phẩm nhập khẩu. Trong khi đó, việc sản xuất thuốc lại phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu (đến 90%) do các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh.

Chính vì thế, các khoản chi phí nhập khẩu, biến động về tỷ giá và giá cả đều ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp dược phẩm Việt. Vì vậy, các doanh nghiệp chưa thể phát triển các sản phẩm mới, phân khúc chủ yếu vẫn là sản phẩm dược cho kênh thuốc không kê toa (OTC).

Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, đang có xu hướng tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và chuyển dịch sử dụng từ thuốc ngoại sang thuốc nội tại các cơ sở y tế, nhất là tại kênh dược phẩm bệnh viện. Doanh nghiệp ngành dược từ đây cũng bắt đầu nỗ lực tăng đầu tư cho sản xuất.

Ví dụ như các doanh nghiệp Imexpharm, Pymepharco… hiện đang sở hữu nhà máy sản xuất theo chuẩn châu Âu (EU), đảm bảo GMP (hệ thống quy định chung hoặc những hướng dẫn đảm bảo nhà sản xuất luôn làm ra sản phẩm đạt chất lượng đăng ký và an toàn cho người sử dụng). Những doanh nghiệp này có lợi thế về công nghệ hiện đại, sản xuất nhóm thuốc kháng sinh đặc trị, cạnh tranh tốt với các thuốc nhập khẩu chất lượng cao.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác như Dược Hậu Giang, Dược Bình Định, Mekorphar, Domesco… là các công ty sở hữu nhà máy đạt chuẩn WHO - GMP (chuẩn mực thuốc chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới) và tập trung vào thị trường thuốc OTC. Một nhóm doanh nghiệp khác như Dược Bến Tre, Dược Cửu Long, Dược Hà Tây… đang tích cực tham gia cung cấp thuốc ở các tỉnh là chủ yếu. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp Đông dược như Trapharco, dược phẩm OPC…

Ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, thuốc của doanh nghiệp dược Việt Nam hiện nay đã đáp ứng được 50% nhu cầu cho công tác phòng và chữa bệnh trong cả nước. Và doanh nghiệp Việt cũng đã sản xuất được 12/13 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của WTO; 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh. Và ngành dược đang hướng đến mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều