Doanh nghiệp ngành gỗ hướng tới phát triển bền vững

15:03 | 08/08/2018

Năm 2018, ngành gỗ và lâm sản quyết tâm nâng giá trị xuất khẩu lên 9 tỷ USD (năm 2017 xuất khẩu gỗ đạt khoảng 8 tỷ USD) và đến nay, xuất khẩu lâm sản 7 tháng đầu năm ước đạt 5,025 tỷ USD (tương đương với 55,83% kế hoạch năm). 

Xuất khẩu gỗ: Nâng cao giá trị cho sản phẩm
Ngành gỗ với cơ hội mới
doanh nghiep nganh go huong toi phat trien ben vung
Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), mục tiêu này có thể đạt được bởi đến thời điểm hiện tại, các DN xuất khẩu gỗ chế biến đã có đủ đơn hàng đến cuối năm. Cộng đồng DN gỗ trong nước chiếm trên 53% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước.

“Việt Nam trở thành số ít quốc gia có vị trí quan trọng trên bản đồ sản xuất đồ gỗ thế giới khi xuất khẩu đứng thứ 5 toàn cầu, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á và là ngành kinh tế có kim ngạch xuất khẩu đứng hàng thứ 6 trong nước”, ông Quyền chia sẻ.

Về sự tăng trưởng của khối DN trong nước, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) cho rằng, không chỉ có thêm nhiều DN mới trong nước tham gia vào ngành gỗ lâm sản, mà nhiều DN chế biến gỗ trong nước những năm gần đây cũng đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư thiết bị công nghệ mới hiện đại, được nhiều khách hàng tín nhiệm cao. Nhiều khách hàng lớn, ngoài các đơn hàng của DN FDI đã tìm nguồn thay thế từ các DN trong nước có khả năng cạnh tranh với các DN FDI.

Trong những năm qua, nhu cầu nguyên liệu của ngành gỗ đã kích thích việc trồng rừng để đáp ứng nguồn gỗ hợp pháp cho sản xuất, tác động đến việc phát triển công nghiệp chế biến trung gian, tạo điều kiện để người dân tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần làm tăng tỷ lệ che phủ rừng từ 39,7% năm 2011 lên 41,45% năm 2017. Tỷ lệ sử dụng gỗ trồng trong nước tính theo khối lượng từ 36% năm 2005 tăng lên 52% năm 2017 và kỳ vọng đạt 55% vào năm 2020. Nhờ có nguồn nguyên liệu trong nước, DN có lợi thế cạnh tranh hơn.

Từ năm 2014, mặc dù Việt Nam đã “đóng cửa rừng”, nhưng ngành chế biến gỗ xuất khẩu vẫn tăng trưởng với việc DN sử dụng gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng làm nguyên liệu.

Thực vậy, để mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành gỗ đã chủ động đàm phán quốc tế, đặc biệt là về quy định gỗ hợp pháp để tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường Lào, Campuchia, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Australia, giúp các DN có nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường mới, các xu hướng mới, cũng như làm chủ được sự phát triển của mình.

Hiện tại, nhiều DN ngành gỗ Việt đã xác định con đường phát triển bền vững của mình là nâng cao sức cạnh tranh về sản phẩm. Để thực hiện điều này, nhiều DN chế biến gỗ trong nước đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư thiết bị công nghệ mới hiện đại... Mặt hàng đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu được các thị trường trên thế giới đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.

Minh chứng cho điều này, ông Lê Tấn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Curato9102 cho rằng, thay vì chạy theo những đơn hàng hay thị hiếu thị trường, DN đã đầu tư thiết kế dựa trên những hạ tầng có sẵn, tận dụng tài nguyên của mình như một thế mạnh.

Chính nhờ có định hướng tốt, DN Việt đã có sự hỗ trợ của các đối tác từ nhiều quốc gia trên thế giới về kinh nghiệm thị trường, thị hiếu khách hàng, quy cách, khối lượng sản phẩm… Thậm chí, các đối tác này còn hỗ trợ DN Việt cả về tài chính như hãng sản xuất đồ nội thất Ikea (Thụy Điển) đã giúp Công ty Woodsland và CTCP Lâm sản Nam Định (Nafoco) làm chứng chỉ rừng.

“Trong những tháng còn lại của năm 2018, ngành gỗ sẽ tiếp tục duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, cố gắng tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro. Đồng thời xây dựng các khu rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ để chủ động hơn về nguồn nguyên liệu thông qua liên kết chuỗi giữa người trồng rừng với công ty chế biến để gia tăng giá trị xuất khẩu, đưa ngành gỗ đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm nay”, ông Khanh cho biết.

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều