Doanh nghiệp Nhật đưa hàng vào Việt Nam

11:00 | 13/12/2018

Không chỉ nhà bán lẻ, mà cả những nhà sản xuất hàng tiêu dùng Nhật Bản cũng đang muốn trực tiếp kinh doanh tại Việt Nam.

Người Việt tăng tiêu dùng hàng Nhật
Hàng ngoại thuế 0% ở Việt Nam
doanh nghiep nhat dua hang vao viet nam
Ảnh minh họa

Những DNNVV trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu của Nhật Bản (gồm hàng gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe người lớn, trẻ em và văn phòng phẩm…) đang tăng cường thâm nhập thị trường Việt Nam. Sản phẩm của các DN này là hàng chất lượng cao và giá cả đắt đỏ so với hàng cùng loại có xuất xứ từ Thái Lan hay Việt Nam.

Đặc biệt hơn, dù là hàng của DNNVV, ít tên tuổi nhưng vẫn được người tiêu dùng Việt ưa chuộng, sẵn sàng mua với giá cao. Sự ưa chuộng hàng Nhật của người Việt đang đưa DN Nhật đến Việt Nam ngày càng đông.

Chị Nguyễn Ngọc Hoa, ngụ tại đường Võ Văn Tần (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, chị luôn chọn nhiều loại thực phẩm chế biến của Nhật để nấu ăn trong gia đình như rong biển, cá bào ngư, tương đậu, gia vị trộn cơm dinh dưỡng hay các loại rượu gạo, nước chấm…

Ngoài ra, chị Hoa còn chọn một số loại trái cây đặc sản của Nhật (bán theo mùa) và giá tương đối rẻ (như hồng giòn, táo fuji hiện đang có tại cửa hàng). Chị ít quan tâm đến một thương hiệu cụ thể nào (do không biết rõ về doanh nghiệp sản xuất), nhưng vẫn tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, có nhãn ghi tiếng Việt. Những mặt hàng này có trong siêu thị Nhật, cửa hàng đồng giá, hay những cửa hàng chuyên về thực phẩm cao cấp của Nhật như Akuruhi, Hachi Hachi… Giá bán đắt hơn hàng cùng loại của Việt Nam gấp 3, 4 lần.

Đối với hàng tiêu dùng thông dụng (hàng gia dụng hay văn phòng phẩm), theo chị Lê Thị Phương Thùy, nhân viên cửa hàng đồng giá Daiso Nguyễn Văn Cừ, doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực hàng gia dụng, hay văn phòng phẩm không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến tính năng tiện dụng tối đa cho người dùng, nhất là với học sinh hay các bà nội trợ. Đó đều là các sản phẩm thiết thực trong cuộc sống hiện đại và dành cho các gia đình ở thành thị.

Ông Koji Takimoto, Trưởng đại diện của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Việt Nam cho biết, khi bắt đầu khởi nghiệp, doanh nghiệp Nhật luôn chọn chất lượng hàng hóa làm lợi thế cạnh tranh. Họ có khẩu hiệu “Chất lượng gắn liền với danh dự của quốc gia”.

Vì vậy, tất cả những sản phẩm doanh nghiệp Nhật làm ra, từ thực phẩm, mỹ phẩm, sữa, hàng gia dụng, điện tử, công nghệ, xe ô tô, xe máy… đều được người tiêu dùng đón nhận và an tâm, vì doanh nghiệp Nhật luôn đặt uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, dù họ cung cấp hàng hóa tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu.

Để sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt nhất, doanh nghiệp Nhật không ngại đầu tư những khoản tiền lớn, nâng cấp máy móc, trang thiết bị sản xuất, mua nguyên vật liệu tốt nhất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, vì vậy hàng Nhật luôn có giá cao hơn hàng cùng loại của nước khác.

Tại thị trường Việt Nam hiện nay, mức sống người dân đã ngày một được nâng cao, dân số trẻ. Đây chính là tiềm năng tiêu thụ mà doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Nhật Bản nhắm đến. Trong năm 2018, thông qua Jetro, đã có trên 300 DNNVV của Nhật đến Việt Nam tìm kiếm đối tác phân phối hàng hóa, chọn địa phương để đầu tư, mở nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng. Hy vọng thời gian tới, người Việt sẽ được tiếp cận nhiều hơn với hàng tiêu dùng chất lượng cao của Nhật Bản.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều