Doanh nghiệp phải liên kết để phát triển

09:39 | 28/09/2017

Đó là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam bộ lần thứ II 2017 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. 

Làm thế nào để tạo mối liên kết thực sự cho miền Trung?
Giao cho doanh nghiệp công cụ đủ mạnh
Giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho nông dân

Theo ông Lộc, vấn đề liên kết vùng đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên hiện nay việc thực hiện chưa hiệu quả, chưa tạo ra động lực phát triển. Muốn tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần tạo ra sự gắn kết trong cộng đồng DN. Song thực tế, sự kết nối giữa các DN trong nước còn rất lỏng lẻo do thiếu “đầu tàu” dẫn dắt nên khó tạo ra sự phát triển, chưa tạo được tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, cũng như kinh tế đất nước.

“Chính phủ chỉ có thể tạo ra thể chế, hành lang thuận lợi để DN phát triển, nhưng có nắm bắt được cơ hội, kết nối và tạo ra động lực cho sự phát triển được hay không thì chính DN phải là người hành động”, ông Lộc nói.

doanh nghiep phai lien ket de phat trien
Muốn những DN liên kết chặt chẽ phải tạo ra một khối đoàn kết, ý chí thống nhất chung thông qua việc thành lập Hội đồng DN vùng

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tây Ninh, cộng đồng DN khu vực Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng đang nỗ lực phát huy những thuận lợi, thế mạnh vốn có của địa phương. Tuy nhiên, nếu nói rằng đã tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh thành, giữa các DN trong cùng lĩnh vực, ngành nghề hay chưa thì có lẽ là chưa. Bởi thực tế còn nhiều khó khăn, trở ngại do thiếu cơ chế ràng buộc, chưa tìm được tiếng nói chung nên mạnh ai nấy làm.

Bên cạnh đó, còn phải nói đến những yếu tố khác như sự hạn chế về năng lực tài chính, liên kết giữa các DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao, hạ tầng giao thông kém... khiến cho DN chưa có điều kiện để kết nối chặt chẽ hơn.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc CTCP Giao nhận quốc tế Intelog cho biết, vùng kinh tế Đông Nam bộ nói chung và TP. HCM nói riêng là nơi tập trung hoạt động giao thương quốc tế, xuất nhập khẩu hàng hóa, nên việc kết nối hạ tầng giao thông giữa các khu vực, vùng nguyên liệu với nhà máy công xưởng, bến bãi đóng vai trò vô cùng quan trọng. Song tất cả hiện vẫn còn thiếu và yếu.

Theo ông Minh, việc phân bổ hài hòa lưu thông cho cả đường thủy và đường bộ sẽ góp phần làm giảm chi phí logistics, tăng nhanh thời gian giao hàng, phát huy hiệu quả của các cảng biển, từ đó giúp DN giảm chi phí giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế.

Bàn về vấn đề này, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và là “cửa ngõ” của Việt Nam ra thế giới. Đến nay, vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 40% GDP, đóng góp gần 60% thu ngân sách quốc gia, GDP tính theo đầu người cao gần gấp 2,5 lần mức bình quân cả nước. Đồng thời, cũng là nơi có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng luôn cao hơn khoảng 1,4 lần đến 1,6 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Cao Đức Phát, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cụ thể, vùng Đông Nam bộ cơ bản vẫn chưa chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng với giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại, trong đó hàm lượng công nghệ và tri thức chưa đóng vai trò quyết định. Chất lượng đô thị còn thấp, các khu công nghiệp chồng chéo về chức năng, trung tâm đô thị trong vùng kém kết nối cả về giao thông, chức năng kinh tế và dịch vụ xã hội. Nguyên nhân một phần được cho là do kết cấu hạ tầng của vùng chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển chưa kết nối tốt, chưa hiện đại, chi phí cao.

Đồng thời, dù là khu vực kinh tế lớn song việc hình thành các trung tâm khoa học, công nghệ sáng tạo trình độ quốc tế chậm, chưa có nhiều sáng chế công nghệ, đóng góp khoa học công nghệ vào mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, hạn chế do thiếu sự phối hợp, thậm chí cạnh tranh nhau về chính sách, hệ thống dịch vụ công... đã làm chậm hình thành một không gian kinh tế vùng thống nhất.

Nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, các chuyên gia cho rằng, muốn những “mắt xích” là các DN liên kết chặt chẽ để từ đó tạo nên gắn kết giữa các tỉnh, thành, vùng kinh tế, cần phải tạo ra một khối đoàn kết, ý chí thống nhất chung thông qua việc thành lập Hội đồng DN vùng.

Thanh Tuyết

Tin đọc nhiều