Doanh nghiệp sản xuất nhôm đối mặt khó khăn

08:54 | 27/02/2019

Nhôm định hình Trung Quốc được xuất khẩu ồ ạt với mức giá rẻ đã ảnh hưởng lớn không chỉ ngành nhôm Việt Nam mà với rất nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ.

Điều tra chống bán phá giá nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc

Sức ép từ sản phẩm nhập khẩu

Trong những năm gần đây, nhu cầu nhôm trong nước có sự tăng cao và giá nhôm cũng có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, trên thực tế các DN nhôm trong nước đang vướng vào nghịch lý là nhu cầu người tiêu dùng tăng nhưng sản lượng sản xuất nhôm của các DN lại giảm. Không những thế, không ít DN còn rơi vào tình cảnh sản xuất cầm chừng, giảm công suất hoạt động và có nguy cơ phá sản. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là sự đổ bộ ồ ạt, thiếu kiểm soát của nhôm giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2019 dự báo sẽ là một năm đầy biến động đối với ngành sản xuất nhôm trong nước.

doanh nghiep san xuat nhom doi mat kho khan
Nhiều dây chuyền sản xuất nhôm hiện đại chỉ chạy nửa công suất

Trên thực tế, sức ép từ Trung Quốc đã khiến các DN nhôm trong nước chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nếu năm 2017, nhôm Trung Quốc chiếm 30% thị phần tại Việt Nam, nhôm trong nước giữ 70% thì sang năm 2018, các con số này đã được hoán vị, 70% thị phần đã thuộc về Trung Quốc, nhôm trong nước vỏn vẹn còn 30%.

Không những thế, với các sản phẩm nhôm cùng giống nhau về mẫu mã nhưng nhôm xuất xứ Trung Quốc lại bán rẻ hơn nhiều nhôm sản xuất trong nước. Nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc được bán với giá thấp hơn nhôm của công ty Việt sản xuất trên dưới 10 nghìn đồng/kg. Như vậy thì các DN sản xuất nhôm trong nước sẽ rất khó có thể cạnh tranh. Điều này dẫn đến tồn kho tăng cao, DN sản xuất cầm chừng và không dám chạy hết công suất bởi vì càng sản xuất lại càng thua lỗ.

Những thách thức lớn này khiến một số DN nhôm đứng trên bờ vực phá sản, cuối năm 2018, đã có 4 DN nhôm trong nước đã phải lên tiếng yêu cầu áp thuế nhôm nhập từ Trung Quốc và gửi hồ sơ yêu cầu lên Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương).

Vực sản xuất trong nước

Nhôm định hình Trung Quốc được xuất khẩu ồ ạt với mức giá rẻ đã ảnh hưởng lớn không chỉ ngành nhôm Việt Nam mà với rất nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ. Đầu tháng 12/2018, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ (ITC) đã ra phán quyết cuối cùng về việc áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nhôm nhập từ Trung Quốc, từ 96,3% đến 176,2% trong 5 năm. Ở trong nước, ngay trong tháng đầu năm 2019, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình xuất xứ từ Trung Quốc.

doanh nghiep san xuat nhom doi mat kho khan
Ảnh minh họa

Theo Bộ Công thương, mặt hàng nhôm Trung Quốc được bán phá giá thời gian qua đã làm ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể như lợi nhuận giảm, tồn kho tăng, bị ép giá…

Là một trong những công ty sản xuất nhôm thanh định hình khá mạnh tại Việt Nam, Công ty Nhôm Sông Hồng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường và sản lượng sản xuất nhôm khá lớn.

Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch HĐQT cho biết, năm 2018 là một năm khó khăn với kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nhôm trong nước nói riêng. Nhà máy của Công ty cổ phần Nhôm Sông Hồng được xây dựng tại khu công nghiệp phía Nam thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với tổng diện tích lên đến gần 7ha. Sản phẩm của công ty tiêu thụ trên địa bàn cả nước và xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc và các nước châu Âu…

Tuy nhiên, theo ông Kế, sự đổ bộ ồ ạt sản phẩm nhôm giá rẻ từ Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất của công ty. Trước đây mỗi năm nhà máy sản xuất trên 1.000 tấn thì hiện tại chỉ chạy nửa công suất. Nhiều dây chuyền sản xuất được công ty đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng nhưng nay chỉ chạy 20-30% công suất trong khi hàng tồn kho cũng tăng lên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận, hoạt động sản xuất kinh doanh mà ảnh hưởng không nhỏ tới người lao động.

Theo các chuyên gia, với những khó khăn hiện tại, các DN ngành nhôm đang đứng trước thử thách rất lớn trong năm 2019. Điều này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi của các DN sản xuất trong nước. Theo Bộ Công thương, căn cứ kết luận điều tra sơ bộ, cơ quan điều tra có thể kiến nghị làm căn cứ để bộ quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời theo quy định pháp luật.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều