Doanh nghiệp thờ ơ với an ninh mạng

14:28 | 28/05/2015

Tuy đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng theo ông Lê Việt Trung, Giám đốc Secure Việt Nam, nhiều DN tại TP. Đà Nẵng vẫn đang bỏ ngỏ công tác bảo mật mạng.

Nhiều nguy cơ

Dư luận ở TP. Đà Nẵng vẫn đang xôn xao, khi một DN suýt mất 400 triệu đồng, do bị hacker lừa đảo qua email trong quá trình thực hiện giao dịch hợp đồng mua nhựa đường với một đối tác tại Dubai (UAE).

Theo đó, các hacker nước ngoài đã giả mạo là đối tác của DN có trụ sở tại TP. Đà Nẵng, rồi yêu cầu chuyển 30% giá trị hợp đồng với số tiền 18.720 USD vào một tài khoản khác. Lệnh yêu cầu chuyển tiền được làm thành 1 file đính kèm gửi riêng có đầy đủ chữ ký lẫn con dấu của đối tác tại Dubai.

Điều đáng nói, kể từ ngày công ty tại TP. Đà Nẵng nhận được email nói trên thì tất cả email của đối tác tại Dubai không thể gửi vào hộp thư của DN. Do tin tưởng chữ ký và con dấu của đối tác, không nhận ra email này của hacker nên DN Việt Nam đã chuyển tiền… Rất may sau đó, nhờ phát hiện kịp thời cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng nên DN này mới lấy lại được số tiền đã lỡ chuyển.

doanh nghiep tho o voi an ninh mang
DN cần có nhân lực kỹ thuật cao để bảo đảm an ninh mạng

Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc mất an ninh mạng, tác động tiêu cực đến các DN đã xảy ra trong thời gian qua. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, hiện có đến 95% mạng công nghệ thông tin của DN lớn đang là đối tượng tấn công của các hoạt động hacker và cài cắm mã độc nguy hại. Hầu hết những website này đều dễ dàng bị xâm nhập khi tương tác với các nguồn nhúng mã độc phát tán trên mạng.

Trong đó, nhóm các DN tài chính, du lịch có hệ thống dữ liệu khách hàng... đang là mục tiêu dễ bị tấn công. Đây cũng chính là nhóm DN đang có chiều hướng gia tăng về số lượng tại TP. Đà Nẵng.

Ông Craig Nielsen - Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của Intel Security cho biết, các cuộc tấn công mạng giờ đây đã hoàn toàn khác so với trước. Nếu như trước đây, việc xâm nhập mạng thường nhắm đến các dữ liệu cá nhân, mật mã, các tài khoản… thì giờ đây chúng đột nhập vào để tìm kiếm, đánh cắp những dữ liệu khối, dữ liệu trí tuệ của một tổ chức, tập đoàn, thậm chí của cả một quốc gia.

Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang chú trọng đầu tư các nguồn lực cho công nghệ thông tin và truyền thông, phục vụ cho công tác hành chính, quản lý, nên có thể nói đây là một trong những thành phố có nguy cơ tấn công mạng cao nhất ở Việt Nam.

Doanh nghiệp thờ ơ

Tuy đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng theo ông Lê Việt Trung, Giám đốc Secure Việt Nam, nhiều DN tại TP. Đà Nẵng vẫn đang bỏ ngỏ công tác bảo mật mạng. Có đến 90% DN trên địa bàn đang thờ ơ về vấn đề này, chỉ 10% còn lại thuộc về một số tập đoàn lớn, khối Resort và một số ít DN FDI có quan tâm đến an ninh mạng.

Qua điều tra của Secure Việt Nam, nhiều DN không hề đầu tư lắp đặt hệ thống công cụ phòng ngừa nào, ngay hệ thống dữ liệu khách hàng cũng ít khi sao lưu hay có giải pháp bảo vệ an toàn. Một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng còn không có nhân sự quản trị IT… Do vậy, hầu như các DN không tự bảo vệ được mình trước các cuộc tấn công mạng.

Cũng theo ông Lê Việt Trung, khối DN tài chính, ngân hàng đang là những DN có mức độ an ninh, an toàn thông tin tốt nhất hiện nay. Bởi, đây là những DN tiên phong trong việc đầu tư tập trung vào giải pháp, thiết bị bảo mật phục vụ cho an toàn thông tin. Nhiều ngân hàng đã đầu tư và áp dụng những thiết bị và giải pháp của các hãng bảo mật thông tin lớn như: Checkpoin, Palo Alto, Cisco. Đây đều là những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu bảo mật của Isarel, Mỹ...

Tuy nhiên, khối các DN tài chính, ngân hàng vẫn sẽ là tâm điểm tấn công của tội phạm an ninh mạng trong thời gian tới. Do vậy, chỉ đầu tư trang thiết bị thôi thì chưa đủ, mà song song với đó là nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, để có thể xử lý khắc phục sự cố nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Nhằm tăng cường an ninh mạng trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng và Công ty Intel Security đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển và tăng cường an toàn, an ninh cho hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của thành phố. Theo thỏa thuận, ngoài việc cung cấp gói giải pháp bảo mật thiết bị đầu cuối Endpoint Protection Suite, Intel Security cũng sẽ xây dựng một phòng thí nghiệm bảo mật tại TP. Đà Nẵng để thiết lập một cấu trúc mạng lưới an toàn, cung cấp thêm những kiến thức chuyên môn, tổ chức đào tạo đối với người sử dụng…

Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cho rằng, hợp tác với Intel Security sẽ mở ra một cơ hội mới trong việc bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cho hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin của TP. Đà Nẵng, góp phần để thành phố sớm trở thành một trung tâm về công nghệ thông tin tại Việt Nam, vươn tầm ra khu vực cũng như thế giới.

Nghi Lộc

Tin đọc nhiều