Doanh nghiệp thuận lợi trong tranh chấp

14:00 | 24/04/2017

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, nhận định hoạt động của ngành xây dựng hiện có tính lan tỏa và tiềm năng rất lớn, nhất là khi Việt Nam trong quá trình đô thị hóa.

Tránh rủi ro khi ký hợp đồng với đối tác ngoại
Tranh chấp nên để trọng tài tuýt còi
doanh nghiep thuan loi trong tranh chap
Ảnh minh họa

Theo ông Lịch, từ thực tiễn những năm qua cho thấy, có một số yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành xây dựng. Đầu tiên là sự phát triển của thị trường BĐS với số lượng dự án lớn ngày càng tăng. Cùng với đó, du lịch đang được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn, vì vậy, đây như một “mỏ vàng” để khai thác, nhất là mảng du lịch nghỉ dưỡng với hàng loạt dự án lớn có mặt tại hầu hết các địa phương có thế mạnh như Đà Nẵng, Nha Trang, Kiên Giang…

Điều này tác động đến việc mở rộng thị trường xây dựng (vật liệu xây dựng, lực lượng lao động…). Thứ hai, là việc tăng đầu tư công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng liên quan trực tiếp đến xây dựng, với các dự án xây cầu, mở đường. Thứ ba, là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Ví dụ như TP. Hồ Chí Minh, trong 40 năm nay, tốc độ đô thị hóa đã vượt hơn cả khoảng thời gian 300 năm trước đó, và dự tính đến năm 2025, sẽ bằng ba lần đô thị. Điều này cho thấy, ngành xây dựng chưa bao giờ bão hòa ở Việt Nam, chưa nói đến sẽ còn cơ hội rất lâu dài. Những DN đến từ Hàn Quốc đang tăng đầu tư vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam bởi có nhiều tiềm năng, nhất là khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, TS. Đỗ Văn Đại, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, hiện nay Việt Nam có rất nhiều tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng (hợp đồng xây dựng, hợp đồng thanh toán...) giữa DN trong nước với nhau, hay DN trong nước với DN nước ngoài.

Trong đó, rất nhiều vụ có quy mô lớn, số tiền trong hợp đồng từ vài triệu USD trở lên. Và hiện nay, các tranh chấp hợp đồng xây dựng hoàn toàn có thể giải quyết được tại tổ chức trọng tài.

Cụ thể, theo điểm b, Khoản 8, Điều 146 Luật Xây dựng 2014 về Nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng xác định, các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên không thương lượng được, thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.

Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hiện nay việc hỗ trợ DN trong các tranh chấp xây dựng đã có đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp đảm trách theo đúng quy định pháp luật. Từ các vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng lớn giữa DN Việt Nam và DN nước ngoài thời gian qua cho thấy, VIAC với việc thực hiện thủ tục nhanh, gọn, thời gian xử lý nhanh chóng và được 150 quốc gia trên thế giới công nhận phán quyết, đã giúp việc xử lý tranh chấp dễ dành hơn.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều