Doanh nghiệp Việt mở rộng sang thị trường lân cận

09:51 | 10/09/2018

Hàng trăm triệu USD được các DN Việt đầu tư ra nước ngoài nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường.

Nhiều cơ hội đầu tư bất động sản ở nước ngoài
Việt Nam đầu tư ra nước ngoài gần 280 triệu USD trong 7 tháng

Trong tháng 6/2018, Tập đoàn Viettel (Viettel) đã chính thức khai trương mạng di động tại Myanmar, với thương hiệu Mytel. Đây là thương hiệu của Telecom International Myanmar, công ty liên doanh giữa Viettel Global với 2 đối tác địa phương, Star High Public Company và Myanmar National Telecom Holding Public. Được biết, Myanmar là thị trường quốc tế thứ 10 và có quy mô dân số lớn nhất mà Viettel từng rót vốn.

doanh nghiep viet mo rong sang thi truong lan can
Vài năm trở lại đây là giai đoạn "bùng nổ" đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam

Trong năm đầu tiên, Mytel đầu tư cho hạ tầng viễn thông với hơn 7.000 trạm thu phát sóng 4G và hơn 30.000 Km cáp quang. Theo ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, tổng vốn đầu tư của dự án là 1,5 tỷ USD, chiếm 66% tổng vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Myanmar. Trong năm 2018, Viettel đặt mục tiêu có 2 - 3 triệu khách hàng tại Myanmar.

Trước đó, tại thị trường Lào, Viettel cũng đã từng thành công khi lập liên doanh Unitel với Lao Asia Telecom với mục tiêu kinh doanh dịch vụ viễn thông. Đến nay, với hạ tầng mạng lưới lớn nhất với 6.000 trạm 2G/3G/4G phủ sóng tới 95% lãnh thổ, Unitel đã đạt 1,22 tỷ USD doanh thu lũy kế, 480 triệu USD lợi nhuận, trở thành liên doanh viễn thông lớn nhất tại Lào.

Bên cạnh đó, một số DN khác trong cùng lĩnh vực viễn thông di động như FPT, Zalo... cũng nhanh chóng triển khai hướng kinh doanh nhiều tiềm năng chưa được khai thác này.

Chỉ trong một thời gian ngắn, cả 2 DN này cũng đã đạt được một số kết quả khả quan, như Zalo sau 4 tháng đặt chân vào thị trường Myanmar đã đạt 2 triệu người dùng khi phát triển ứng dụng tin nhắn OTT; hay FPT đã trở thành công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên triển khai hạ tầng viễn thông tại Myanmar với gói thầu trị giá 11,3 triệu USD.

Cũng như vậy, ở “mảng” tài chính-ngân hàng giàu tiềm năng, không ít NHTM đã đầu tư tại một số thị trường lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar... và gặt hái được nhiều thành quả đáng kể. Trong đó, không thể không kể đến những tên tuổi như BIDV với việc thành lập liên doanh với Ngân hàng ngoại thương Lào Đại chúng với vốn điều lệ 100 triệu USD, trong đó phần góp vốn của BIDV chiếm 65%.

Tại Lào, BIDV còn góp vốn tương đương 33,15% tại liên doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, và công ty này đạt được 11,2 triệu USD doanh thu phí bảo hiểm, lợi nhuận trước thuế đạt 900 ngàn USD (tương đương 20 tỷ đồng) trong năm qua... Cũng như vậy, VietinBank cũng đã có mặt tại Myanmar và Lào từ khá sớm. Các công ty con và chi nhánh của ngân hàng này tại các thị trường này có tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận trước thuế năm sau cao hơn năm trước...

So với BIDV và VietinBank, Vietcombank đi muộn hơn trong việc mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài, song đến nay ngân hàng này cũng đã có văn phòng đại diện tại Singapore, 2 công ty con là công ty Vinafico Hongkong và Công ty chuyển tiền Vietcombank tại Lào....

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 8 tháng năm 2018, cả nước có 93 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 271,46 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 313,48 triệu USD.

Đặc biệt, lĩnh vực tài chính - ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,77 triệu USD, chiếm 33,7% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ hai với 63,84 triệu USD và chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư. Công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ 3 với 45,87 triệu USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư...

Hiện, Việt Nam đã đầu tư sang 29 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 95,19 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư; Australia xếp thứ 2 với 37,7 triệu USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư; Slovakia xếp thứ 3 và chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Campuchia, Cuba, Myanmar.

Theo nhận định của các chuyên gia, vài năm trở lại đây có thể nói là giai đoạn "bùng nổ" đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam. Cụ thể, riêng trong năm 2017, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đầu tư ra nước ngoài là 350 triệu USD, luỹ kế đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài khoảng 22 tỷ USD. Con số này cho thấy xu hướng đầu tư mở rộng, tìm kiếm thị trường của DN Việt ngày càng rõ nét.

Tuy nhiên, phần lớn các DN Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào một số nước khu vực lân cận không chỉ bởi sự gần gũi về khoảng cách địa lý, tương đồng về văn hóa mà còn chính bởi năng lực của DN trong nước còn nhiều mặt hạn chế nên chưa đủ lực và tầm để vươn xa tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhật Minh

Tin đọc nhiều