Doanh nghiệp Việt thâu tóm khối ngoại, tại sao không?

10:03 | 17/10/2018

Thời gian gần đây, trên thị trường đã xuất hiện các thương vụ DN Việt mua cổ phần của khối ngoại. Liệu rằng đây có thể là tín hiệu cho thấy sắp tới sẽ có nhiều thương vụ tương tự, giúp DN trong nước có được công nghệ tiên tiến, trình độ quản trị chuyên nghiệp để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu?

Bộ Tài chính hướng dẫn tái cơ cấu DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa
Đủ lý do chậm bàn giao quyền đại diện doanh nghiệp

Thời gian qua, tuy được đánh giá là nhiều cơ hội và tiềm năng nhưng hình ảnh của DN Việt trên thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam hết sức mờ nhạt khi các thương vụ có nhà đầu tư ngoại chiếm phần lớn trong tổng giá trị M&A.

doanh nghiep viet thau tom khoi ngoai tai sao khong
Sau khi sáp nhập, hệ thống siêu thị Fivimart được đổi tên thành VinMart

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 9 tháng năm 2018, cả nước có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ 2017.

Việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với các dự án trong nước là một trong các hình thức của giao dịch M&A. Đây cũng là cách được nhiều nhà đầu tư đánh giá có hiệu quả và nhanh nhất để xâm nhập thị trường và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mới đây đã xuất hiện hiện tượng DN nội mua lại cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể CTCP dịch vụ thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup vừa công bố chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart (trong đó có 30% cổ phần của Aeon).

Được biết, năm 2015, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản đã mua lại 30% của Fivimart. Tuy nhiên sau gần 3 năm hợp tác, Aeon bất ngờ phát đi thông báo về việc hủy hợp tác nghiệp vụ, hợp tác liên kết vốn giữa công ty cổ phần Aeon và Fivimart sau một thời gian dài liên kết. Lý do hủy bỏ việc liên kết hợp tác với Fivimart là do phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược giữa Aeon và Fivimart có sự khác nhau.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc một DN bán lẻ nội địa mua lại cổ phần của khối ngoại sẽ làm tăng sức mạnh hệ thống phân phối của DN Việt để cạnh tranh với nước ngoài. Cùng với đó, các DN sản xuất Việt sẽ có lợi thế khi đưa hàng vào siêu thị nội thay vì phải phụ thuộc, chưa kể bị chèn ép bởi hệ thống phân phối ngoại.

Đặc biệt, đây sẽ là tín hiệu tích cực cho thấy DN trong nước hoàn toàn có thể mua bán, thâu tóm khối ngoại tại thị trường nội địa. Dù biết chắc chắn để làm được không hề dễ dàng.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao chia sẻ, M&A là hoạt động hết sức bình thường của kinh tế thị trường. Thời gian qua, nhiều DN Việt được bán cho khối ngoại.

Bà Hạnh đặt vấn đề tiếp: “Tại sao những DN tư nhân Việt Nam không thể tham gia mua lại các DN này, qua đó giữ lại những DN tốt nhất để phát triển kinh tế Việt Nam?”.

Vì vậy, theo bà Hạnh, cần phải chú ý bảo vệ DN đầu ngành, giảm những bất lợi cho DN để tăng sức cạnh tranh. Đồng thời có hỗ trợ thiết thực cho DN tiếp cận với các nguồn lực như vốn, đất đai... Nếu phân bố nguồn lực cho những DN trong nước một cách tích cực, công bằng hơn, chúng ta sẽ nhìn thấy cục diện thị trường M&A hợp lý hơn hiện nay.

Nhìn từ hiện tượng thời gian qua nhiều người giàu Việt Nam dùng tiền của mình để mua nhà, mua tài sản ở nước ngoài, theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế (Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính), nếu những khoản tiền trên được đầu tư vào phát triển sản xuất trong nước thì sẽ đóng góp nhiều cho lợi ích quốc gia như tạo thêm công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, phải tìm cách để người có vốn, tài sản đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Theo đó, cần phải cải thiện môi trường đầu tư, có các chính sách khuyến khích thu hút vốn; Cải cách kể cả về pháp lý cũng như các thủ tục hành chính.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo môi trường và cơ chế chính sách để khuyến khích các DN Việt Nam mua lại các DN có vốn FDI. Điều này sẽ giúp DN trong nước có được công nghệ tiên tiến, đổi mới cách quản trị để tham gia vào các chuỗi giá trị gia tăng.

Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn nhủ: Sắp tới từ tư duy thụ động, bị các nhà đầu tư nước ngoài vào mua, DN trong nước có thể chủ động mua lại các DN FDI tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều