Doanh nghiệp Việt tiến đến Hồng Kông

12:00 | 01/07/2019

Trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông có tốc độ tăng trưởng 60%. DN Việt Nam cũng thông qua thị trường Hồng Kông để có thể tiếp cận khách mua hàng quốc tế, bằng cách quảng bá sản phẩm của mình, tìm kiếm những khách hàng tiềm năng…

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), Hồng Kông (thuộc Trung Quốc) là một trong 10 nền kinh tế nhập khẩu lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch gần 627 tỷ USD/năm, trong đó gần 80% là nhập khẩu từ các quốc gia châu Á. Ngoài ra, đây còn là trung tâm tài chính, thương mại quan trọng của châu Á và thế giới, đồng thời tập trung nhiều trụ sở của các công ty lớn tại châu Á- Thái Bình Dương. Vì vậy, Hồng Kông hiện là cửa ngõ thương mại đầu tư của Trung Quốc với nước ngoài. Thông qua thị trường này, hàng Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào Trung Quốc đại lục cũng như những nước khác.

doanh nghiep viet tien den hong kong
Thị trường Hồng Kông luôn đánh giá cao hàng hóa Việt Nam

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, hàng năm Việt Nam xuất khẩu sang Hồng Kông từ 7,5 tỷ – 8 tỷ USD hàng hóa các loại. Trong đó, nhóm hàng máy vi tính linh kiện, điện thoại linh kiện và máy móc thiết bị là những mặt hàng kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD. Riêng sản phẩm máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn 28,36%. Đứng thứ 2 là điện thoại và linh kiện đạt 1,78 tỷ USD. Tiếp đến là máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy móc thiết bị đạt từ 1,2 tỷ – 1,29 tỷ USD. Ngoài những mặt hàng kể trên, Việt Nam còn xuất sang Hồng Kông các mặt hàng thủy sản, dệt may, giày dép…

Trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông có tốc độ tăng trưởng 60%. DN Việt Nam cũng thông qua thị trường Hồng Kông để có thể tiếp cận khách mua hàng quốc tế, bằng cách quảng bá sản phẩm của mình, tìm kiếm những khách hàng tiềm năng…

Theo đánh giá của cộng đồng DN xuất khẩu Việt Nam, ngoài nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp trên, Hồng Kông còn có nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm chế biến (thủy hải sản đông lạnh, mì ăn liền, thịt, trái cây, rau củ đóng hộp…) rất cao, đến 86% nguồn cung cấp các sản phẩm này tại Hồng Kông là thông qua nhập khẩu.

Đây cũng là thế mạnh sản xuất của các DN TP. Hồ Chí Minh và ITPC hàng năm đều tổ chức những Chương trình triển lãm sản phẩm lương thực, thực phẩm chế biến và kết nối với nhà nhập khẩu, phân phối tại Hồng Kông, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN thành phố nói riêng và cả nước nói chung khai thác thị trường nhiều tiềm năng này.

Phía đối tác Hồng Kông cũng đánh giá cao hàng hóa Việt Nam, nên từ nhiều năm nay thông qua Cục Xúc tiến Mậu dịch Hồng Kông tại Việt Nam, DN nước này luôn trực tiếp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tiến tới tổ chức thành các gian hàng quốc gia Việt Nam tại các hội chợ triển lãm ở Hồng Kông và ngược lại.

Trong lĩnh vực đầu tư, hiện nay Hồng Kông là vùng lãnh thổ dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ USD. Trong đó có thể kể đến như dự án xây dựng nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện với tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh; Dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam chuyên về thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội cũng đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD…

Đặc biệt, từ tháng 6/2019, Hiệp định thương mại tự do ASEAN Hong Kong (AHKFTA) bắt đầu có hiệu lực (đối với Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Lào và Myanmar), tiếp tục mở rộng tự do thương mại và tác động tích cực lên nền kinh tế Việt Nam. Thông qua Hiệp định này, sẽ giảm thuế hàng hóa, đẩy mạnh dòng chảy dịch vụ và đầu tư giữa các thị trường trong khu vực và Hong Kong.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều