Doanh nhân hiến kế - quốc gia hùng cường

09:10 | 05/09/2019

Ngày 3/9/2019 website cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế” đã chính thức khai trương. “Hy vọng cuộc vận động này là một "Hội nghị Diên Hồng" về kinh tế để cộng đồng doanh nghiệp góp ý kiến xây dựng đất nước hùng cường...”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói với phóng viên Thời báo Ngân hàng.

Không thoát bẫy thu nhập trung bình nếu thể chế trung bình

Đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước tổ chức cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách. Với vai trò người đứng đầu tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông có bình luận gì về cuộc vận động này?

Doanh nghiệp, doanh nhân góp ý xây dựng thể chế chính sách phát triển kinh tế không phải là việc làm mới. Suốt hành trình cải cách hơn 3 thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay với Đảng, Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Dù vậy, cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” được phát động lần này vẫn là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, trong bối cảnh đặc biệt: đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ, và chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII - một đại hội được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2 trong nền kinh tế Việt Nam.

Cuộc vận động này là cơ hội để cho lực lượng chủ lực trong việc xây dựng kinh tế đất nước nói lên suy nghĩ của mình, góp ý với Đảng xây dựng thể chế và môi trường kinh doanh.

Hy vọng cuộc vận động này sẽ có ý nghĩa như một Hội nghị Diên hồng về kinh tế để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, như Bác Hồ hằng mong mỏi.

doanh nhan hien ke quoc gia hung cuong
Ông Vũ Tiến Lộc

Vai trò của VCCI và sự sẵn sàng tham gia của cộng đồng doanh nghiệp như thế nào?

Tôi tin rằng cộng đồng doanh nghiệp sẽ tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với sự phát triển của Đất nước, cộng đồng doanh nghiệp. Hiến kế với Đảng, Nhà nước vẫn là nhiệm vụ trung tâm của VCCI từ trước đến nay. VCCI sẽ triển khai nghiêm túc cuộc vận động thông qua mạng lưới gần hơn 500 các hiệp hội doanh nghiệp, ở tất cả các ngành nghề, các địa phương và đơn vị.

Với cuộc vận động này, VCCI sẽ có lần huy động tổng lực để góp ý cho các chủ trương chính sách hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng và chân thành cảm ơn Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan tổ chức có liên quan đã phát động cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân cùng hiến kế lần này.

Quá trình góp ý chính sách với Đảng và Nhà nước cũng sẽ là quá trình cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam định vị lại chính mình, thực hiện tái cấu trúc, tăng cường liên kết, nâng cấp quản trị và công nghệ, thực hiện chuyển đổi số và quốc tế hoá, nâng cao đạo đức và văn hoá kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh hướng tới các chuẩn mực phát triển bền vững và đề cao trách nhiệm xã hội.

Một lần nữa ghi danh về câu chuyện hoá rồng

Nhưng một thực tế là rất nhiều lần các dự thảo cơ chế, chính sách được lấy ý kiến rộng rãi, nhưng ý kiến từ phía doanh nghiệp phản hồi không nhiều, hoặc có những ý kiến chất lượng không cao. Thực tế này có gợi nên băn khoăn với lần góp ý này?

Các doanh nghiệp, doanh nhân có thể sẽ có những đóng góp từ phạm vi của doanh nghiệp, của địa phương, của ngành hàng… và họ cũng có thể đóng góp ý kiến thông qua các hội, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp. Các hiệp hội sẽ giúp doanh nghiệp, doanh nhân có được sự trợ giúp từ các chuyên gia pháp luật chuyên gia kinh tế.

Vai trò của các hiệp hội rất quan trọng. Hiện nay các ngành nghề đã có hội, hiệp hội ngành nghề, và một mạng lưới rộng khắp các hiệp hội doanh nghiệp ở các địa phương, và ở cả nước đã có VCCI. Có thể tiếng nói, ý kiến của mỗi doanh nghiệp sẽ ở góc độ đơn lẻ chưa có góc nhìn toàn diện, nhưng khi các doanh nghiệp cùng đưa ý kiến thông qua hiệp hội và có sự hỗ trợ của các chuyên gia thì các ý kiến đề xuất sẽ có tính chất bao trùm và rộng khắp hơn, khách quan hơn và tổng thể hơn, kết hợp được cả lợi ích của doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp nhỏ. Tôi tin rằng như thế, sẽ có các ý kiến, đề xuất chất lượng.

doanh nhan hien ke quoc gia hung cuong
Ban chỉ đạo Cuộc vận động bấm nút khai trương trang website của Cuộc vận động

Vậy, ông kỳ vọng gì ở cuộc vận động này?

Hơn 30 năm Đổi mới với làn sóng cải cách đầu tiên chúng ta đã tạo nên kỳ tích, ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới như một mẫu hình chuyển đổi thành công từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường và cũng là mẫu hình thành công đưa một đất nước bị chiến tranh tàn phá, đói nghèo để trở thành một nước có thu nhập trung bình.

Giờ đây, công cuộc Đổi mới đang lan toả làn sóng cải cách lần thứ 2 nhằm xây dựng được một nền kinh tế thị trường hiện đại và đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, để bước vào hàng ngũ các quốc gia phát triển hùng cường, trong tầm nhìn 2045, đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 100 năm thành ngày thành lập Nước.

Nhiệm vụ của làn sóng cải cách lần thứ 2 chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều, bởi trên thế giới này có nhiều quốc gia có thể thoát nghèo nhưng rất ít quốc gia có thể trở nên giàu mạnh.

Hơn nữa, lần này sẽ không thể là một hành trình tập trung vào nhiệm vụ phát triển nền kinh tế theo chiều rộng, đồng thời với quá trình cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân như 30 năm qua.

Bây giờ, tầm nhìn 20 - 30 năm tới sẽ là một hành trình kiến tạo, tạo thuận lợi, yểm trợ và thúc đẩy cho sự phát triển với chất lượng cao hơn của nền kinh tế và các doanh nghiệp dựa trên các động lực và mô hình kinh doanh mới, dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững…

Đồng thời ba mũi đột phá trong chiến lược phát triển mà Đảng ta nêu: thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực rất cần có thêm những nội hàm mới, rất khác so với trước đây, để thích ứng với kỷ nguyên số và sự phát triển bao trùm.

Đất nước sẽ không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không vượt khỏi tình trạng chất lượng thể chế kinh tế ở mức trung bình.

Chúng tôi hy vọng những góp ý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian tới, sẽ được các cơ quan Đảng, Nhà nước nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng thể chế chính sách để tạo ra hệ sinh thái đóng vai trò bà đỡ và bệ phóng cho sự phát triển bứt phá của doanh nghiệp, doanh nhân và nền kinh tế nước nhà. Để chúng ta lại một lần nữa, có thể ghi danh trên bản đồ thế giới câu chuyện hoá rồng của Việt Nam khi chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Cảm ơn ông!

Linh Đan thực hiện

Tin đọc nhiều