Đổi mới công nghệ để cạnh tranh

10:00 | 03/07/2017

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Tuy nhiên, thành phần kinh tế này đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém nhất là về mặt công nghệ…

Hướng đi nào cho gói tín dụng công nghệ cao
Làm gì ổn định đầu ra cho nông sản?
doi moi cong nghe de canh tranh
Ảnh minh họa

Hạn chế, yếu kém với công nghệ lạc hậu

Theo thống kê của các ngành chức năng, trong 15 năm qua, kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế…

Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã nhận định, phần lớn DNTN có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp…

Hiện nay máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở khu vực DNTN chỉ có 10% là hiện đại, 38% trung bình và 52% là lạc hậu và rất lạc hậu. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 2%. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ cũng rất thấp, chỉ khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu. Mức trang bị thiết bị công nghệ trong các DNTN chỉ bằng 3% so với các DN lớn...

Thực trạng này đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DNTN. Chính vì thế, công nghệ được xem là công cụ chiến lược để DN có thể cạnh tranh và hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

Việc đổi mới công nghệ sẽ giúp DN, nhà sản xuất cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố, duy trì và mở rộng thị phần của sản phẩm; đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị, giảm tác động xấu đến môi trường.

Theo ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Tập đoàn Cỏ May Group, những năm gần đây DN gặp rất nhiều khó khăn với mảng xuất khẩu gạo, do sự xuất hiện của các thương hiệu gạo đến từ Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc… khi công nghệ của các nước này đều hơn hẳn Việt Nam. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân (TP. HCM) cho biết, năm 2003, dịch cúm gia cầm bùng nổ, DN chế biến thực phẩm có sử dụng trứng trong quá trình sản xuất cũng đứng trước tình thế nguy cấp vì thiếu nguyên liệu sạch. Chính việc này đòi hỏi các DN phải chuyển mình tìm hướng đi phát triển.

Gấp rút chuyển đổi công nghệ

Trước tình thế cấp bách, để tồn tại và phát triển, Cỏ May Group đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ hút chân không khi đóng gói sản phẩm để hạn chế được sâu mọt, giúp chất lượng gạo luôn đảm bảo và ổn định. Công ty TNHH Ba Huân đã đầu tư 30 tỷ đồng mua công nghệ diệt khuẩn cho vỏ trứng của Hà Lan.

Với công nghệ mới này, trứng được rửa 2 lần, sấy khô rồi chiếu tia UV để diệt khuẩn, sau đó chuyển sang công đoạn soi, loại các trứng hư, nứt đã tạo hiệu quả lớn trong kinh doanh, được người tiêu dùng tin tưởng.

Cũng như vậy, trước yêu cầu đổi mới công nghệ, ông Phạm Văn Tứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong (Tiền Giang) cho biết, DN đã đầu tư 500 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến rau quả tại Bến Tre. Toàn bộ dây chuyền được sử dụng công nghệ hiện đại của nước ngoài để đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó có các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Không may mắn có có sẵn nguồn vốn để chuyển đổi công nghệ, lãnh đạo của nhiều DN đã phản ánh những bức xúc trong việc tiếp cận nguồn vốn cho dù mặt bằng, lãi suất đã ổn định từ cuối tháng 9/2016 đến nay. Ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến cho rằng, cần phải đổi mới, khắc phục những hạn chế trong quản trị, tài chính, có hướng phát triển rõ ràng và đổi mới sáng tạo để tìm cơ hội thu hút vốn từ các nguồn khác, bớt lệ thuộc vào ngân hàng.

Nhưng để làm được điều này, DN rất cần Nhà nước hỗ trợ giảm hoặc giữ ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp, hình thức cho vay linh hoạt hơn. Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng công bố số liệu thống kê đến cuối năm 2016 cho thấy, chỉ khoảng 30% DNNVV tiếp cận được vốn, còn lại khoảng 70% DN đói vốn cho các dự án sản xuất, kinh doanh.

Để hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo, lãnh đạo TP. HCM đã xây dựng một chương trình hành động cho năm 2017. Giám đốc Sở KHCN TP. HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, chương trình sẽ tiếp sức cho DN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; áp dụng khoa học-công nghệ vào thực tiễn; quản trị năng suất chất lượng; đổi mới sáng tạo, thông qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh DN trên địa bàn.

Theo đó, 3.200 DN sẽ được hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo ông Dũng, giai đoạn 2016-2020, TP. HCM sẽ hỗ trợ ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, có đến 50% DN vừa và lớn ngoài nhà nước được tư vấn thành lập, sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của DN để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ…

Minh Lâm

Tin đọc nhiều