Đổi mới là yêu cầu tất yếu

08:32 | 04/07/2016

Trong bối cảnh hội nhập, việc đưa tri thức thành động lực phát triển bền vững là hết sức cần thiết.

doi moi la yeu cau tat yeu
Sản xuất Led Panel ở CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Là một trong số ít DN Việt Nam chú tâm và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu sáng tạo, CTCP Bóng đèn-phích nước Rạng Đông ghi dấu ấn lớn trong các hoạt động nghiên cứu, sản xuất đèn LED; phát triển hệ thống và giải pháp chiếu sáng xanh… Sau hơn 10 năm cổ phần hóa, công ty giờ đây là nhà sản xuất hàng đầu tại Việt Nam về sản xuất các sản phẩm nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng và phích nước.

Nhưng, thành công ấy không đến dễ dàng. Từng thua lỗ và tài khoản bị phong tỏa năm 1990, đồng thời cũng ngoạn mục vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, Rạng Đông thuộc số ít các DN ra đời từ thời kỳ chiến tranh (năm 1958) mà sản phẩm, thương hiệu vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn-phích nước Rạng Đông chia sẻ “triết lý” kinh doanh: “Rạng Đông có thể làm nên những kỳ tích vừa qua là do công ty biết lấy tri thức làm sức mạnh dẫn đường”.

Tuy nhiên, ông Thăng cũng thừa nhận, đó chỉ là thành quả của quá khứ, những gì đạt được là ở môi trường cạnh tranh cũ. Với bối cảnh hội nhập hiện nay, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, Rạng Đông nếu muốn tiếp tục phát triển thì bên cạnh việc đổi mới tư duy kinh doanh, xây dựng lộ trình phát triển công nghệ, xây dựng mô hình quản trị chiến lược và áp dụng các công cụ quản trị tiên tiến, còn cần phải tìm cách vượt qua các khó khăn.

“Chúng ta phải trả lời được các câu hỏi: Làm thế nào để giải được bài toán làm chủ công nghệ tiên tiến trong khi chúng ta còn yếu cả về tài chính lẫn năng lực khoa học công nghệ? Làm thế nào để tổ chức hoạt động liên minh, liên kết khoa học công nghệ trong một thế giới toàn cầu có xu thế phẳng về thương mại, nhưng chưa bao giờ phẳng về khoa học và công nghệ? Làm thế nào để tổ chức hiệu quả hoạt động của các nhà khoa học bên ngoài, để vừa đáp ứng được nhu cầu tự do sáng tạo đồng thời đảm bảo kỷ luật kinh doanh của DN?...”, ông Thăng cho biết thêm.

Những vấn đề trên không chỉ là mối lo của riêng Rạng Đông, mà là chung của cả cộng đồng DN Việt Nam hiện nay. PGS-TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (trường Đại học Ngoại thương) cho biết, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các nước đang đầu tư ào ạt vào Việt Nam, thành lập các DN FDI để tận dụng các lợi thế mới, với chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước hỗ trợ.

Trong khi đó, hơn 90% DN Việt Nam là DNNVV, đang thiếu những tư duy, chiến lược kinh doanh mới, cũng như năng lực khoa học - công nghệ, trình độ kỹ thuật hiện đại, công nghệ quản trị tiên tiến… Và điều đặc biệt quan trọng, dù có khắc phục được các điểm yếu này, các DN Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ có tiềm lực khoa học - công nghệ, vốn liếng, chuỗi cung ứng và thị trường… sẵn có, đã đi trước chúng ta hàng chục năm.

Cũng theo ông Minh, nhiều FTA đã bắt đầu có hiệu lực, cơ hội và thách thức được nói đến rất nhiều, nhưng cụ thể là gì thì rất ít DN nhìn thấy và nắm bắt được. “DN biết tìm sự giúp đỡ ở đâu khi chuyên gia nước ngoài lấy phí tư vấn 2.000 USD/ngày; chuyên gia Việt Nam cũng không kém cạnh, lấy phí 20 triệu đồng/ngày. Người đưa ra ý kiến thì nhiều, giáo huấn thì vô số, nhưng người đồng hành, cùng giải quyết vấn đề thì hiếm như lá mùa thu!”, ông Minh băn khoăn.

TS. Lê Đăng Doanh khuyến cáo, trong lúc này, đổi mới là yêu cầu tất yếu. DN cần nhìn thẳng vào những mặt mạnh, mặt yếu của bản thân mình, xác định rõ các đối thủ cạnh tranh tiềm năng trên thị trường trong nước và quốc tế, và đề ra một chương trình hành động, có lộ trình thích hợp để tiếp tục phát huy thế mạnh, đổi mới mạnh mẽ để giữ vững vị trí tiên phong.

Để giúp DN vượt lên khó khăn, tiếp tục thực hiện thành công tiến trình biến tri thức thành động lực phát triển, theo ông Minh, cần kết hợp nhiều tri thức, cộng hưởng các giá trị nhỏ thành sức mạnh lớn. Cách thức tạo sự cộng hưởng này được triển khai theo hai hướng.

Hướng thứ nhất đi từ dưới lên thông qua các cải tiến nhỏ, thường xuyên, hàng ngày của tất cả mọi người, với phương châm “tích tiểu thành đại“, lượng biến thành chất, nhiều cải tiến nhỏ sẽ tạo nên bước tiến lớn. Hướng thứ hai đi từ trên xuống với tư duy đổi mới, sáng tạo, tạo ra các bước đột phá.

Trường Sơn

Tin đọc nhiều