Đổi mới mô hình hợp tác xã đầu tư chợ

10:03 | 26/08/2019

UBND TP.HCM vừa qua đã khảo sát tình hình hoạt động kinh doanh của hệ thống chợ trên địa bàn, đồng thời đánh giá hiệu quả hoạt động xã hội hóa đầu tư chợ, giao chợ cho DN tư nhân và hợp tác xã (HTX) quản lý.

Ngân hàng hợp tác xây dựng chuỗi liên kết
Kiến nghị chính sách hỗ trợ giao thuê đất cho hợp tác xã
doi moi mo hinh hop tac xa dau tu cho
Việc giao chợ cho DN tư nhân, HTX đầu tư, khai thác giảm bớt được gánh nặng
tài chính đối với ngân sách ở cấp quận, huyện

Theo khảo sát của Ban Kinh tế Ngân sách TP.HCM, tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn toàn thành phố có tổng cộng 239 chợ truyền thống. Trong các năm gần đây, nhờ đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa đầu tư các loại hình chợ, tại các quận, huyện đã có 66 chợ được khối DN tư nhân, HTX và tiểu thương bỏ vốn cùng hợp tác đầu tư.

Thống kê của Liên minh HTX TP.HCM cho thấy, tính đến tháng 8/2019 có 20 HTX tại TP.HCM hoạt động trong lĩnh vực đầu tư – kinh doanh – khai thác chợ. Bà Lê Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Liên minh cho biết, hiện các HTX này đang đầu tư, kinh doanh khoảng 35 chợ loại II và III thông qua phương thức đấu thầu, chỉ định thầu. Đa số các đơn vị đầu tư, kinh doanh chợ đều hoạt động khá hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm cho thành viên. Trong khi đó thu nhập của các HTX kinh doanh chợ đều ở mức cao hơn so với mức trung bình của các HTX ở các lĩnh vực khác.

Đại diện Ban Kinh tế Ngân sách TP.HCM cho rằng, việc giao chợ cho DN tư nhân, HTX đầu tư, khai thác không chỉ giải quyết được những hạn chế của chợ truyền thống như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ… mà điều quan trọng nhất là giảm bớt được gánh nặng tài chính đối với ngân sách ở cấp quận, huyện vì không phải trả lương cho cán bộ, cũng như bổ sung vốn để xây dựng và nâng cấp chợ hàng năm.

Ngoài ra, việc giao chợ cho các HTX đầu tư, khai thác, mô hình hội đồng quản trị của HTX được áp dụng trong từng chợ truyền thống giúp các đơn vị tổ chức các hình thức vay vốn thông qua hoạt động tín dụng nội bộ của đơn vị. Điều này cũng góp phần hạn chế, ngăn chặn được tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen liên quan đến bảo kê ở các khu chợ truyền thống.

Theo phân tích của ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, trong những năm tới, với chủ trương khuyến khích phát triển hình thức đầu tư hạ tầng theo hợp đồng hợp tác công – tư (PPP), tại TP.HCM sẽ có nhiều DN tư nhân, HTX sẵn sàng bỏ vốn đầu tư các công viên và chợ truyền thống.

Để tạo cơ chế và lợi ích hấp dẫn hơn cho các HTX tiếp quản chợ, ông Hòa cho rằng TP.HCM nên mạnh dạn áp dụng mô hình HTX quản lý chợ kiểu mới. Theo đó, mỗi tiểu thương buôn bán trong chợ đều là xã viên của HTX. Khi đó các tiểu thương sẽ góp vốn vào HTX quản lý chợ bằng chính tài sản là sạp chợ, đóng các loại thuế, phí theo quy định của Nhà nước và để duy trì hoạt động cũng như trích quỹ tái đầu tư sửa chữa nâng cấp chợ. Chính những tiểu thương - xã viên này khi giữ vai trò làm chủ sẽ phát huy tốt hơn trách nhiệm bảo vệ, củng cố “ngôi nhà” của mình và ra sức đóng góp, nâng sức cạnh tranh của chợ.

Với mô hình đầu tư chợ kiểu mới như trên, ông Hòa cho rằng gánh nặng giám sát, quản lý của Nhà nước cũng sẽ được giảm bớt. Nhà nước sẽ không cần trực tiếp quản lý mà chỉ làm nhiệm vụ cho thuê mặt bằng như hiện nay vẫn đang thực hiện tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Mọi hoạt động quản lý, cân đối thu chi, đầu tư nâng cấp hay lời lỗ ở chợ sẽ do những người chủ - thương nhân cùng gánh vác.

Ở phía Liên minh HTX TP.HCM, bà Lê Thị Hoàng Yến cho rằng, hiện nay so với việc cho tư nhân đấu thầu các loại hình chợ thì việc chuyển đổi Ban Quản lý chợ sang mô hình HTX là dễ dàng và thuận lợi hơn vì nguồn vốn của Nhà nước sẽ được duy trì trong mô hình quản lý mới. Trường hợp HTX bị giải thể thì nguồn vốn này được giao lại cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi HTX chủ động về tài chính, chợ được nâng cấp, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ và quản lý điều hành chợ cũng sẽ không phải phụ thuộc ngân sách Nhà nước.

Riêng về cơ chế đấu thầu và giao đất, bà Yến cho rằng TP.HCM nên giao chợ cho HTX quản lý và khai thác trong thời gian từ 10 - 20 năm thay vì chỉ cho phép quản lý và khai thác từ 3 - 5 năm như hiện nay. Song song với việc đấu thầu, giao đất, chính quyền cấp địa phương có thể yêu cầu các HTX nhận đầu tư chợ cam kết thực hiện các lộ trình phát triển chợ, cam kết vận động kết nạp tối thiểu 50% tiểu thương kinh doanh ở chợ làm thành viên để chung vốn xây dựng chợ.

Và để hỗ trợ các HTX trong thời gian bắt đầu đầu tư – khai thác chợ, UBND TP.HCM và các quận, huyện có thể xem xét thêm các chính sách ưu đãi, chẳng hạn như cho phép các HTX được vay vốn thông qua chương trình kích cầu đầu tư, vay vốn từ Quỹ trợ vốn xã viên HTX (CCM) hoặc vay ưu đãi lãi suất từ Ngân hàng HTX Việt Nam (Co.op Bank). Bên cạnh đó, địa phương cũng nên rà soát lại các chính sách về thuế như miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian nhất định, cho thuê nhà trả góp hoặc hỗ trợ về mặt bằng hoặc bán chỉ định đất để HTX làm trụ sở hoạt động.

Bình Thạch

Tin đọc nhiều