Đón cơ hội đầu tư từ nước Anh

16:00 | 27/03/2019

Chính sách ưu đãi đầu tư là một trong những vấn đề đang được Việt Nam tập trung nghiên cứu theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, y tế, giáo dục, hạ tầng để tạo sự phát triển đột phá, không còn dàn trải như trước.

Dù quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh chưa ghi nhận những con số quá nổi bật, song cơ hội hợp tác đang tăng lên. Đón đầu triển vọng tích cực đó, Hiệp hội DN Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) và Đại sứ quán Anh vừa tổ chức Diễn đàn Cơ hội kinh doanh (Business is Great) để thảo luận về những triển vọng hợp tác đầu tư kinh doanh giữa cộng đồng DN hai bên.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam cho biết, thời gian qua kim ngạch thương mại song phương giữa 2 quốc gia đã tăng trưởng đều khoảng 5%/năm. Xuất khẩu từ Anh sang Việt Nam tăng 9%, ngược lại xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh tăng 4%. Trong năm qua, Vương quốc Anh đã cấp 100.000 visa du lịch cho người Việt Nam. Với kinh nghiệm, chuyên môn của mình, các NĐT Anh chia sẻ với Việt Nam những thế mạnh đầu tư trong các lĩnh vực giáo dục, tài chính, nghiên cứu... Nếu đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực này thì những lĩnh vực đầu tư khác sẽ tiếp nối trong tương lai.

don co hoi dau tu tu nuoc anh
Giáo dục là một trong những lĩnh vực đầu tư nổi bật của Anh tại Việt Nam

Liên quan tới tình hình Brexit, Đại sứ cho biết, Nghị viện đang cố gắng đưa ra mô hình chuyển giao khi nước Anh rời khỏi EU. Về chính sách thương mại, Việt Nam và EU đã thống nhất thỏa thuận EVFTA - là hiệp định có chất lượng cao, đang trong giai đoạn chuẩn bị ký kết. Chính phủ Anh đảm bảo giữa hai nước sẽ có một hiệp định thương mại tương tự như vậy khi Anh rời khỏi EU để đảm bảo DN Anh không bị thiệt thòi. Chính vì vậy, quy trình xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục có hiệu lực, đảm bảo tạo điều kiện cho hàng hóa, sản phẩm lương thực, nông sản của Việt Nam thông thương thuận lợi, đi lại giữa 2 quốc gia tiếp tục dễ dàng.

Cùng với Đại sứ Anh, BBGV cũng cam kết sẽ hỗ trợ DN Anh xuất khẩu sang Việt Nam, tiếp cận thị trường, kết nối với các cơ quan hữu quan của Việt Nam. Các NĐT nước Anh luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược, trong đó các DN Anh quốc đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực như giáo dục, xây dựng các trường phổ thông, đại học với tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện các nghiên cứu đột phá, phát triển các ngành công nghệ cao, tài chính, năng lượng…

Ông Nguyễn Đức Minh - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao cho biết, kim ngạch thương mại song phương giữa hai quốc gia đã gia tăng nhanh chóng từ mức 2 tỷ USD năm 2010 khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, lên 6,7 tỷ USD vào năm 2018. Hiện nay Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của Việt Nam; là NĐT nước ngoài đứng thứ 3 trong EU và đứng thứ 15 trong 116 quốc gia lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, Anh còn là một trong những nhà viện trợ vốn ODA lớn trong các lĩnh vực mà nước này có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, góp phần lớn vào công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam...

Cho biết Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng để đón các dòng đầu tư mới khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, dự kiến được ký kết vào tháng 5/2019, theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó sẽ là những yếu tố thuận lợi để đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam, trong đó có dòng vốn từ nước Anh.

Theo đó, chính sách ưu đãi đầu tư là một trong những vấn đề đang được Việt Nam tập trung nghiên cứu theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, y tế, giáo dục, hạ tầng để tạo sự phát triển đột phá, không còn dàn trải như trước. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong quá trình nâng cấp các Nghị định về hợp tác công tư thành luật cũng như đang tiến hành sửa Luật Đầu tư, Luật DN cùng một số văn bản luật liên quan…

Chia sẻ góc nhìn về quản lý thuế của Việt Nam với các NĐT, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của KPMG tại Việt Nam đánh giá, hệ thống thuế tương đối hiện đại, ổn định và công bằng, tuy nhiên vẫn còn một số thiếu hụt liên quan đến chính sách và cách hành xử của cơ quan quản lý thuế.

Ông phân tích, năm vừa qua, cơ quan thuế đã tăng thu 14% từ hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, và Chính phủ đang tăng cường công tác này. Tuy nhiên đây lại là thách thức với hoạt động kinh doanh, do đặt ra các quy định thực thi ngặt nghèo về chế độ sổ sách, kế toán đối với DN. Cùng với đó, việc hiểu và diễn giải luật có thay đổi tuỳ ý theo người thực thi chính sách cũng là thách thức đối với các NĐT trong việc chấp hành quy định tại Việt Nam.

Ngoài ra, ông Warrick Cleine cũng lưu ý thêm một thay đổi khác là Việt Nam đang cố gắng hiện đại hoá hệ thống thuế một cách mạnh mẽ để ứng phó với sự nở rộ của các mô hình kinh doanh trên nền tảng internet, mạng xã hội. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có cách hiểu và thực thi thống nhất về vấn đề này trên toàn cầu. Vì vậy, các DN có thể tận dụng cơ hội này để cùng hợp tác, khai thác các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, kết hợp với việc hỗ trợ cơ quan quản lý hoàn thiện khung pháp lý đối với các hoạt động này.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều