Động lực thúc đẩy tăng trưởng

10:00 | 10/03/2017

Chính phủ cần lên danh mục ưu tiên các khoản chi tiêu về CSHT cũng như sắp xếp thứ tự đầu tư.

AIIB xúc tiến hợp tác đầu tư nhiều dự án hạ tầng lớn
Bước đệm vững chắc cho mục tiêu phía trước

Trong bối cảnh nợ công cao, nguồn lực từ khu vực công có hạn, Việt Nam có thể làm gì để khỏa lấp được khoảng trống giữa khả năng đáp ứng với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) ngày càng gia tăng?

dong luc thuc day tang truong
Tận dụng nhiều hơn cơ chế hợp tác công – tư và làm sâu sắc hơn các thị trường vốn là những việc cần làm

Lên danh mục ưu tiên

Cách đây 8 năm (năm 2009), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo với tiêu đề “CSHT cho một châu Á kết nối” ước tính, các nước châu Á đang phát triển sẽ cần khoảng 8 nghìn tỷ USD để đầu tư CSHT cho giai đoạn 2010-2020, tức 750 tỷ USD mỗi năm. Khi đó, nhiều người đã choáng với con số khổng lồ 8 nghìn tỷ USD này.

Nhưng con số khổng lồ gây choáng khi trước đã trở thành “không thấm vào đâu” so với con số “từ nay đến năm 2030 khu vực châu Á đang phát triển sẽ cần khoảng 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm để đầu tư cho CSHT” vừa được ADB đưa ra cuối tháng 2 trong Báo cáo “Đáp ứng Nhu cầu về CSHT của châu Á”. Số tiền cần có này tính trên nhu cầu khi các nước châu Á đang phát triển đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để trở lại với quỹ đạo tăng trưởng nhanh và những cam kết mạnh mẽ để đối phó với biến đổi khí hậu.

ADB cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách với khu vực là cần cải cách tài khóa; lập kế hoạch, thiết kế và thực thi tốt hơn; thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân để khỏa lấp những thiếu hụt nguồn lực cho phát triển CSHT.

Với Việt Nam, để có một nền kinh tế tăng trưởng tốt thì CSHT phải được đầu tư tốt. Tuy nhiên trong bối cảnh nợ công cao, nguồn lực từ khu vực công có hạn thì những quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể làm gì để khỏa lấp được khoảng trống giữa khả năng đáp ứng với nhu cầu đầu tư CSHT ngày càng gia tăng này?

Theo ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, những đề xuất chung cho khu vực như trên cũng là các đề xuất rất phù hợp với Việt Nam hiện nay. Việt Nam cần có các giải pháp cải cách tài khóa, tăng thu, đồng thời chi tiêu hiệu quả hơn để có thêm nguồn đầu tư. “Vay mượn cũng cần thận trọng hơn vì nợ công hiện đã gần chạm ngưỡng trần 65% GDP”, theo ông Eric Sidgwick.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cũng chia sẻ, Chính phủ cần lên danh mục ưu tiên các khoản chi tiêu về CSHT cũng như sắp xếp thứ tự đầu tư. Tuy nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm nhưng thực sự chúng ta sẽ có được rất nhiều lợi ích từ sắp xếp thứ tự ưu tiên và trình tự đầu tư này, bởi nó sẽ cho thấy một bức tranh và lộ trình rõ ràng để giải quyết dần những vấn đề liên quan đến phát triển CSHT, vị này lý giải.

Thu hút khu vực tư nhân vào cuộc

Đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ và thúc đẩy việc định hướng đầu tư cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư CSHT nhưng ông Eric Sidgwick cũng cho rằng những cải cách cần tiếp tục và đặc biệt là hướng đến thu hút sự tham gia nhiều hơn từ khu vực tư nhân. Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Zhigang Li của ADB nhấn mạnh: “Tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, tận dụng nhiều hơn cơ chế hợp tác công – tư (PPP) và làm sâu sắc hơn các thị trường vốn là những việc cần làm”.

Nói rõ hơn về cơ chế PPP vì coi đây là cách thức tốt để thu hút đầu tư tư nhân, ông Eric Sidgwick cho rằng, các khung khổ quy định và môi trường cho PPP đã có nhiều cải thiện so với trong quá khứ.

“Đã có một số hợp tác theo hình thức PPP thành công ở Việt Nam nhưng không nhiều lắm và Chính phủ Việt Nam hiện đang xác định một loạt các dự án mà Chính phủ mong muốn xây dựng để triển khai theo hình thức PPP. Tôi nghĩ trong khoảng một, hai tháng tới thì danh mục những dự án này sẽ rõ ràng hơn” – vị này thẳng thắn và kỳ vọng.

Một trong những thách thức gặp phải đối với hình thức PPP là cơ chế chia sẻ cả về lợi ích và rủi ro ở từng dự án cụ thể. “Các trao đổi giữa Chính phủ với khu vực tư nhân cần xoay quanh cơ chế chia sẻ này. Việc xây dựng một danh sách các dự án PPP, Việt Nam cần có sự chuẩn bị chu đáo thì một dự án theo hình thức này mới thành công được.

Theo ông Bambang Susantono, Phó chủ tịch ADB – người đang có chuyến công tác tại Việt Nam, về mặt xu hướng thì đầu tư CSHT từ khu vực công vẫn sẽ là chủ chốt ở các nước trong những năm tới, nhưng để có đủ nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển cần phải thu hút được đầu tư tư nhân. Và để thu hút đầu tư tư nhân thì cần có một khung pháp lý để các NĐT tư nhân cảm thấy khung khổ pháp quy đó chắc chắn, thuận lợi và đáng tin tưởng thì họ sẽ cân nhắc tham gia vào đầu tư CSHT.

Trong phát triển CSHT, các tổ chức tài chính đa phương có vai trò quan trọng bởi không chỉ tài trợ vốn mà các tổ chức như ADB còn giúp cung cấp các tư vấn và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Các tổ chức đa phương này còn có thể hợp tác với nhau để hỗ trợ các nước trong phát triển CSHT.

Phó chủ tịch Susantono cho biết, ADB rất tích cực hợp tác với các tổ chức tài chính đa phương khác trong tìm kiếm những cơ hội ở các nước để hợp tác cùng tài trợ. Theo tính toán của ADB, các tổ chức tài chính đa phương mới đóng góp khoảng 2,5% tổng vốn đầu tư CSHT của khu vực trong năm 2015. Thời gian qua, ADB và Ngân hàng Đầu tư CSHT châu Á (AIIB) đã hợp tác, đồng tài trợ một số dự án ở các nước trong khu vực, nhưng chưa có tại Việt Nam.

Ông Eric Sidgwick thì thông tin: “Hai bên NH đã gặp và có một số thảo luận trao đổi về khả năng hợp tác trong các dự án tại Việt Nam nhưng sẽ phải mất thêm thời gian để chuẩn bị. Hơn nữa, quyết định cuối cùng là của Chính phủ Việt Nam vì người vay cuối cùng là Việt Nam”.

Đỗ Lê

Tin đọc nhiều