Dư địa lớn của thị trường Canada

08:00 | 29/04/2019

CPTPP đang mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường Canada, đó là nhận định các chuyên gia kinh tế đưa ra cho DN

Ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, người tiêu dùng Canada đa dạng về chủng tộc và văn hóa, trong đó người Canada gốc châu Á tăng nhanh trong những năm gần đây dẫn đến nhu cầu thực phẩm châu Á cũng gia tăng. Mặt khác, Canada có chính sách khá mở về nông sản nhiệt đới với thuế nhập khẩu bằng 0% và không có nhiều rào cản kỹ thuật. Vì vậy, nếu hoa quả tươi Việt Nam khắc phục được những hạn chế về mặt bảo quản và vận chuyển thì cơ hội xuất khẩu vào Canada khá rộng mở. Thủy sản, tôm đông lạnh và cá tra cũng là mặt hàng truyền thống, đang có chỗ đứng khá vững trên thị trường Canada. DN có thể khai thác hơn nữa đối với thủy sản chế biến và một số mặt hàng chất lượng cao như: cá ngừ, mực, bạch tuộc…

du dia lon cua thi truong canada

Bên cạnh đó, dệt may và da giày là hai ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP có hiệu lực; trong đó mức thuế nhập khẩu hàng dệt may được giảm từ 16 -17% xuống còn 0% theo lộ trình 4 năm; da giày được giảm thuế từ 18% xuống còn 0% trong lộ trình 7 -11 năm. Với một số mã sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ của CPTPP có thể được xem xét xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay tại thời điểm hiện tại. Mức chênh lệch khá cao về thuế suất nhập khẩu sẽ là lợi thế lớn của Việt Nam trong việc cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu hàng dệt may và da giày vào Canada thời gian tới. Hiện nay hàng dệt may của Việt Nam mới chiếm khoảng 7% tổng nhập khẩu của Canada nên dư địa của ngành này rất lớn.

Một ngành hàng khác cũng có nhiều dư địa để hợp tác với Canada là chế biến, xuất khẩu gỗ. Cụ thể, Việt Nam có thể đẩy mạnh nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Canada phục vụ ngành chế biến và xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh ngược lại Canada.

Mặc dù cơ hội mở rộng xuất khẩu vào Canada là rất lớn, song đây là thị trường khá mới mẻ với nhiều DN Việt Nam nên các chuyên gia cũng khuyến cáo DN một số vấn đề trong việc tận dụng ưu đãi. Bà Trịnh Minh Hiền - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) lưu ý, các DN làm hồ sơ C/O vào Canada cần chú ý ghi rõ email, điện thoại của nhà sản xuất và xuất khẩu. Đây là điểm rất mới của Hiệp định CPTPP vì các FTA trước trước đây chỉ yêu cầu ghi tên DN xuất khẩu. Với các FTA khác khi có nghi ngờ về xuất xứ, cơ quan chức năng của các nước chỉ cần trao đổi với Bộ Công thương nhưng đối với CPTPP, Hải quan các nước sẽ liên hệ trực tiếp với DN, nếu không có thông tin liên lạc thì các DN sẽ bị nghi ngờ về pháp nhân. Bộ Công thương cũng khuyến khích các DN nên sử dụng cấp C/O qua Internet để tiện cho việc chứng minh xuất xứ có thể phát sinh sau này, vì chứng từ đã được lưu sẵn trên hệ thống.

“Đối với hàng dệt may xuất khẩu vào Canada phải đáp ứng quy tắc 3 công đoạn, nhưng một số sản phẩm như tơ lụa không vướng các quy định này do hoàn toàn được sản xuất tại Việt Nam. Chính vì vậy, các DN cần chú ý để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ thị trường này”, bà Hiền lưu ý các lợi thế cho DN xuất khẩu. Bên cạnh việc tận dụng ưu đãi từ CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh vào Canada, các DN Việt Nam cũng có thể tăng cường việc nhập khẩu các sản phẩm mà Việt Nam đang có nhu cầu, đặc biệt là nguyên liệu, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất từ Canada nhằm gia tăng tỷ lệ giá trị tạo lập trong khối, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào các thị trường khác trong CPTPP.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, so với các hiệp định thương mại song phương và đa phương khác mà Việt Nam đang tham gia, CPTPP mang lại giá trị gia tăng lớn khi mở cửa cùng lúc 3 thị trường mới tại châu Mỹ là Canada, Mexico và Peru. Canada là một trong những thị trường mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong CPTPP. “Đặc biệt, đây là thị trường có khả năng chi trả cho các sản phẩm có giá trị cao và là cầu nối quan trọng để DN Việt Nam mở rộng thị trường sang các quốc gia châu Mỹ khác”, ông Khanh nói.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Canada đã tăng gấp 3 lần từ 1,14 tỷ USD năm 2010 lên 3,85 tỷ USD trong năm 2018, năm 2018 giá trị xuất siêu đạt 2,14 tỷ USD. Đặc biệt, chỉ sau một thời gian ngắn CPTPP có hiệu lực kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã có sự tăng trưởng mạnh, hai tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất sang Canada đạt hơn 506 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.

Minh Lâm

Tin đọc nhiều