Đủ lý do chậm bàn giao quyền đại diện doanh nghiệp

13:30 | 19/09/2018

Có 62 doanh nghiệp mà các bộ, địa phương phải chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), theo chủ trương tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg về thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020.

TIN LIÊN QUAN
Không đủ điều kiện cổ phần hóa: Tái cơ cấu doanh nghiệp trên nguyên tắc đồng thuận
Phải đề cao chất lượng cổ phần hóa là Nhà nước có lợi nhiều nhất

Lộ trình thoái vốn nhà nước tiếp theo tại các doanh nghiệp trên cũng được giao cho SCIC. Nhưng đến nay, sau 1 năm Quyết định 1232 được ban hành, tính đến cuối tháng 8 vừa qua mới có 27 doanh nghiệp được bàn giao về SCIC, bao gồm cả 2 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông bàn giao hôm 31/8/2018.

du ly do cham ban giao quyen dai dien doanh nghiep
Dây chuyền công nghệ Danieli của Italia tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Tổng công ty Thép muốn thoái vốn xong mới chuyển giao.

Cơ quan chủ quản không muốn…

35 doanh nghiệp chưa được chuyển giao về SCIC đang được quản lý ở 4 bộ là Bộ Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giao thông Vận tải và 8 địa phương là Bà rịa - Vũng Tàu, Cao Bằng, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ngãi và Quảng Ninh.

Phó Tổng giám đốc phụ trách của SCIC, ông Nguyễn Chí Thành cho biết Tổng công ty này đã chủ động cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thành lập 6 đoàn công tác làm việc trực tiếp với các bộ, địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, làm thủ tục để chuyển giao... Nhưng kết quả đến nay vẫn rất chậm cải thiện.

Chẳng hạn như với Tập đoàn Dệt may, theo lãnh đạo SCIC cho biết mọi thủ tục về chuyển giao đã xong và chính Tập đoàn này cũng muốn nhanh chóng được chuyển giao về SCIC, nhưng cơ quan chủ quản chưa hoàn tất các công việc cuối cùng.

“Họ chưa chuyển giao đơn giản vì họ không muốn”, ông Phùng Quốc Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ về vấn đề này.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cũng nhìn thấy sự luyến tiếc của các các bộ, địa phương khi không muốn mất đi “chân rết”, công cụ của mình. Ông cho biết họ lấy lý do giữ doanh nghiệp lại để thực hiện công tác quản lý ngành, để phục vụ nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương...

Chính vì vậy, mong muốn thúc đẩy việc chuyển giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng SCIC dường như đang lực bất tòng tâm. “SCIC cũng chỉ là doanh nghiệp, không có quyền yêu cầu các bộ, địa phương phải bàn giao doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC nói.

Doanh nghiệp ngại minh bạch

Vướng mắc không chỉ từ phía cơ quan chủ quản, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết doanh nghiệp có tâm lý chờ để được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho… tương xứng, thay vì về SCIC cũng chỉ là doanh nghiệp.

Dù theo ông Tiến, Ủy ban chỉ tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty lớn, kể cả SCIC. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước khác sẽ tiếp tục bàn giao về SCIC theo quy định của Chính phủ.

Không muốn chuyển giao, các doanh nghiệp còn rất nhiều lý do. Với Tổng công ty Thép, lý do trước đây đưa ra là chưa quyết toán cổ phần hóa, dù đơn vị này đã cổ phần hóa từ năm 2009. Khi Chính phủ quyết định giao về SCIC, SCIC và Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc quyết toán cổ phần hóa thì Tổng công ty lại cho rằng chờ cần có lộ trình để thoái vốn, thoái vốn xong sẽ chuyển giao...

Một số lãnh đạo doanh nghiệp đang tự chủ thì không muốn bị gò bó, bởi khi chuyển giao về SCIC là phải theo mô hình quản lý doanh nghiệp hiện đại, công khai minh bạch theo cơ chế thị trường nên họ không muốn…

Ông Phùng Văn Hùng nhấn mạnh chậm chuyển giao doanh nghiệp về SCIC là không tốt cho xã hội, cho nền kinh tế và làm chậm quá trình phát triển. Chậm bàn giao là vấn đề của tái cơ cấu tổng thế chứ không phải của riêng SCIC. Nó cũng khiến cho việc tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý nhà nước bị chậm lại

Còn theo ông Tiến, việc chậm chuyển giao khiến nguồn lực nhà nước không tập trung, vẫn bị phân tán và sử dụng kém hiệu quả như lâu nay.

Cần quy trách nhiệm rõ ràng

“Chậm chuyển giao là đi ngược lại với chủ trương lớn của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ. Chậm chuyển giao doanh nghiệp về SCIC là thoái vốn chậm, là nguồn lực nhà nước vẫn bị phân tán và sử dụng kém hiệu quả, là làm chậm quá trình thu hẹp phạm vi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để mở rộng dư địa, cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân”, ông Phùng Văn Hùng nhấn mạnh.

Việc doanh nghiệp cổ phần hóa xong bàn giao về SCIC là để Tổng công ty này với kinh nghiệm của mình sẽ củng cố lại, rà soát và lên lộ trình thoái vốn theo thị trường, đúng quy định của pháp luật. Qua đó, việc thoái vốn diễn ra công khai, minh bạch, gia tăng giá trị đồng vốn nhà nước.

Hơn nữa SCIC là một doanh nghiệp, việc SCIC làm thì Tổng công ty này phải chịu trách nhiệm. Nếu để các bộ, địa phương thoái vốn sẽ dễ lặp lại điệp khúc vướng mắc thì hỏi ý kiến các bộ quản lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính... Khó nữa thì lên hỏi xin ý kiến Thủ tướng... Như thế sẽ kéo thêm một khoảng thời gian mất thêm.

Cũng có quan điểm cần quy trách nhiệm với người đứng đầu, ông Đặng Quyết Tiến cho biết trong Hội nghị Doanh nghiệp nhà nước hôm 28/9 tới, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị với Thủ tướng công khai luôn các doanh nghiệp mà các bộ, địa phương còn lần lữa chưa bàn giao về SCIC.

Bộ Tài chính sẽ đề nghị Chính phủ giảm bớt nhiệm vụ thoái vốn cho các bộ, địa phương chậm thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ trong hai năm 2017-2018.

Trong danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2019-2020, nếu thấy vấn đề mà các bộ, địa phương không làm được thì kiên quyết bàn giao về SCIC. Như vậy mới đảm bảo hiệu quả sử dụng đồng vốn nhà nước và có đầu mối chịu trách nhiệm.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 83 ngày 30/8/2018, trong đó có điểm quy định mới như sau:

- Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa thực hiện chuyển giao vốn nhà nước về SCIC trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày bộ, UBND cấp tỉnh phải hoàn thành việc công bố giá trị vốn nhà nước lần 2.

- Tại thời điểm chuyển giao, chưa có quyết định công bố giá trị vốn nhà nước lần 2 thì chuyển giao giá trị vốn nhà nước theo giá trị được phê duyệt tại Phương án cổ phần hóa hoặc quyết định điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa.

- Sau khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, các bộ, UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với SCIC, doanh nghiệp thực hiện xử lý các tồn tại về tài chính của doanh nghiệp; quyết toán và công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước lần 2 và điều chỉnh giá trị phần vốn nhà nước đã chuyển giao (nếu có).

Tri Nhân

Tin đọc nhiều