Dựng rào không thể tuỳ tiện

09:45 | 11/11/2016

Thông tư 20 đã vấp phải sự phản đối kịch liệt suốt một thời gian dài vì những rào cản dựng lên đã khiến hàng trăm DN nhập khẩu ô tô quy mô nhỏ cạnh tranh không cân sức với các ông lớn và buộc phải đóng cửa.

Thông tư 20 – bỏ hay tiếp tục?
Vừa cho ưu đãi, vừa dựng rào

Tháo rào, không quên nâng đỡ hợp lý

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thừa uỷ quyền Chính phủ trình lên Quốc hội hôm 9/11 vừa qua chắc chắn sẽ còn gây không ít tranh cãi. Trong số hơn 200 ngành nghề, tâm điểm chú ý hiện đang tập trung vào việc có nên bổ sung ngành “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không.

dung rao khong the tuy tien
Bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nằm trong tính toán đường dài của chính sách

Sở dĩ nó khiến nhiều người băn khoăn vì mang theo tinh thần Thông tư 20 của Bộ Công Thương. Thông tư này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt suốt một thời gian dài vì những rào cản dựng lên đã khiến hàng trăm DN nhập khẩu ô tô quy mô nhỏ cạnh tranh không cân sức với các ông lớn và buộc phải đóng cửa.

Trong khi đang hứa hẹn về việc tạo lập một môi trường đầu tư thông thoáng tối đa, thì động thái trên của Chính phủ có vẻ thể hiện sự mâu thuẫn. Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông đã giải thích các lý do khiến cơ quan này phải đặt quy định với ngành sản xuất ô tô. Ông Đông cho biết, chính sách nằm trong tính toán đường dài của Bộ KH&ĐT nói riêng và Chính phủ nói chung để phát triển ngành công nghiệp ô tô.

“Nhìn về tương lai, không có lẽ đất nước ta có quy mô thị trường khiến bất cứ nhà sản xuất ô tô nào cũng thèm thuồng, mà chúng ta lại buông?”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đặt vấn đề.

Ông giải thích, sở dĩ Chính phủ tiếp tục chọn công nghiệp ô tô vì đây là ngành tạo ra nhiều giá trị tăng trưởng, việc làm, và có mức lan toả rộng cho nền kinh tế. Trong khi đó, một số DN trong nước cũng đã có nền tảng nhất định để trở thành những đầu kéo cho ngành công nghiệp này. Thách thức đặt ra là cần có cơ chế, chính sách phù hợp để bảo vệ ngành sản xuất còn non trẻ này trước sức ép hội nhập, gia tăng được tỷ lệ nội địa hoá để cạnh tranh với các sản phẩm trong nội khối Asean.

“Nếu không bắt đầu từ hôm nay thì 5-10 năm sau, tỷ lệ nhập khẩu ô tô của ta vẫn duy trì rất lớn như hiện nay. Chính phủ làm chính sách cho tương lai, không thể bỏ qua trách nhiệm này”, ông Đông quả quyết.

Mặc dù hiện còn 2 luồng ý kiến khác nhau, song theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cơ quan này tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô” là ngành kinh doanh có điều kiện.

Các ý kiến ủng hộ lý giải rằng đặt chính sách ra không phải để bảo kê, phi nguyên tắc, phi thị trường, mà nhằm nâng đỡ một ngành công nghiệp còn non trẻ. Điều này không đi ngược lại với tinh thần tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, trái lại còn ngăn chặn xu hướng vin vào tinh thần cởi mở của Chính phủ để cổ vũ cho tự do thương mại vô tổ chức.

Quen với cách làm luật mới

Từ câu chuyện về xây dựng chính sách cho ngành công nghiệp ô tô vẫn còn đang “nóng hổi” trong vài ngày qua, các cơ quan của Chính phủ đang truyền đi thông điệp quyết tâm sửa đổi các quy định pháp luật để cải thiện môi trường đầu tư. Và dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo quy định tại phụ lục 4 Luật Đầu tư, có thể nói là một dự luật độc đáo chưa từng có cả về nội dung và quy trình.

Dự luật này trên thực tế là một danh sách các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, được “thai nghén” và “ra đời” chỉ trong vài tháng. Sự chóng vánh này thậm chí đã khiến nhiều người nghi ngại rằng một dự án luật quan trọng như vậy có thể được thẩm định không đúng theo đúng quy trình ban hành văn bản pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT khẳng định, với các dự án luật thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn, Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ yêu cầu 2 nội dung là tờ trình dự thảo luật và báo cáo thẩm tra. Mặc dù quy định như vậy nhưng một số đại biểu Quốc hội, DN, và cả cơ quan báo chí vẫn đòi hỏi phải có đánh giá tác động cụ thể.

“Yêu cầu đó hoàn toàn hợp lý. Chính vì thế Bộ KH&ĐT đã làm ngày làm đêm để thực hiện báo cáo, tuy chưa chi tiết nhưng đã chỉ ra được các tác động của điều khoản bổ sung”, ông Hùng cho biết.

Với tinh thần làm việc khẩn trương như vậy, Bộ KH&ĐT khẳng định, việc điều chỉnh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ nay trở đi sẽ diễn ra thường xuyên. Vào từng thời điểm, xuất phát từ mức độ phát triển của nền kinh tế và các diễn biến trong xã hội, cơ quan quản lý có thể xem xét nhặt ra hay bỏ vào một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông chia sẻ, tâm lý xã hội là cứ thấy “đẻ” thêm ngành kinh doanh có điều kiện thì thấy thêm khó khăn, thêm tiền kiểm. Tuy nhiên với cách làm sắp tới, ông Đông nhấn mạnh rằng để đưa một ngành nghề vào danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện không phải là dễ. Khi danh mục này được luật hoá thì Chính phủ sẽ tiến hành thực hiện cân nhắc từng ngành nghề, có sự giám sát chéo, có các cơ quan độc lập, có tham vấn.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều