FDI tại Hà Nội: Mời vào rồi cho đợi 10 năm

14:51 | 24/04/2015

Không chỉ gặp khó trong cấp giấy phép xây dựng mà sự thay đổi chóng mặt của quy hoạch cũng là lý do khiến các nhà đầu tư không kịp trở tay.

fdi tai ha noi moi vao roi cho doi 10 nam
Ảnh minh họa

Sau 10 năm đầu tư ở Việt Nam, không ít lần “dâng sớ” lên UBND TP. Hà Nội kêu khó về dự án, song hôm 22/4 vừa rồi, lần đầu tiên ông Đỗ Nguyễn Quân, Tổng giám đốc Công ty TSQ - một DN FDI trong ngành địa ốc - mới được UBND TP. Hà Nội mời đến họp để tháo gỡ khó khăn.

Thừa dịp, chủ đầu tư này đã không ngần ngại, thẳng thắn đưa ra một loạt các dự án mà công ty có tham gia xây dựng đang gặp tình trạng trì trệ.

Trong những dự án được ông Quân “chỉ mặt, đọc tên” vì đang đối mặt với khó khăn đáng chú ý có dự án trên địa bàn Hà Tây cũ tồn tại đã 10 năm nay song vẫn chưa xin được giấy phép xây dựng; Dự án khu đô thị Mỗ Lao còn một vài hạng mục chuyển đổi công năng xây dựng nhưng thủ tục cấp phép vẫn “nằm hoài”.

Ông Quân kể lại: “Cách đây gần 10 năm, ngày 19/5/2005, tôi đã bay từ Ba Lan về để xin giấy phép đầu tư dự án ở Hà Tây cũ nay sáp nhập vào Hà Nội, song gần 10 năm chờ đợi đến nay dự án này vẫn chưa được cấp phép”.

Đồng thời, khó khăn mà ông Quân nêu ra cũng là khó khăn tương tự mà ông Cheong Kun Hung, Phó tổng giám đốc của Công ty Phát triển đô thị CDC, chủ đầu tư dự án Sông Hồng City gặp phải.

Ông Cheong Kun Hung cho hay, dự án đã được cấp phép đầu tư cách đây 20 năm nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được do vướng mắc về quy hoạch phân khu. Hơn nữa, gần đây dự án nhận được quyết định không được xây cao tầng như quy hoạch ban đầu mà chỉ được xây thấp tầng.

Ông Cheong Kun Hung tỏ ra bức xúc: “Như vậy là đi ngược lại những sự phê duyệt và ủng hộ từ chính quyền với chúng tôi trước đó. Nếu như hạn chế xây dựng chiều cao thì dự án không thu lợi nhuận được gì cả”. Ông đề nghị: “Thành phố không áp dụng hạn chế chiều cao đối với dự án của chúng tôi và cho chúng tôi được xây dựng như quy hoạch ban đầu”.

Không chỉ gặp khó trong cấp giấy phép xây dựng mà sự thay đổi chóng mặt của quy hoạch cũng là lý do khiến các nhà đầu tư không kịp trở tay. Chủ dự án Mulberry Lane (ở Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội), nêu ra khó khăn nhất của dự án hiện nay là hạ tầng tại khu vực này do UBND tỉnh Hà Tây trước đây đầu tư (từ năm 2006) khi chưa sáp nhập vào Hà Nội, đã hoàn thành và sau đó kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng công trình.

Song, trong hạ tầng kỹ thuật chưa bố trí hạ tầng cơ sở phục vụ cung cấp thông tin liên lạc. “Hà Đông đã có phương án báo cáo thành phố cho bổ sung ngân sách đầu tư thông tin liên lạc. Tuy nhiên, trước mắt giải pháp vẫn là kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu cung cấp và khai thác dịch vụ”, vị đại diện chủ đầu tư dự án này nói.

Những khó khăn mà DN FDI nêu trên cũng được các sở, ngành của Hà Nội thừa nhận. Ông Phạm Văn Khương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vướng mắc chủ yếu của các dự án đầu tư FDI trên địa bàn thành phố hiện nay là tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, đất đai, tài chính, giải phóng mặt bằng.

Theo ông Khương, thống kê hiện nay có 12 dự án gặp khó khăn về quy hoạch, trong đó có 3 dự án phải chờ quy hoạch phân khu; 8 dự án khó khăn về giải phóng mặt bằng; 13 dự án khó khăn trong bàn giao đất và do nguyên nhân khác...

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu, trước 30/5, các sở ngành liên quan phải trả lời DN phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo thành phố để có cách thức giải quyết; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lập đường dây nóng tiếp nhận kiến nghị của DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn; đồng thời khẳng định TP. Hà Nội sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của DN.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 3/2015, Hà Nội thu hút được 3.104 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 23,89 tỷ USD, đứng thứ 3 trong các tỉnh, thành phố cả nước có thu hút FDI lớn nhất.

Lê Thúy

Tin đọc nhiều