Gặp khó vì thiếu thông tin

08:36 | 26/02/2016

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất khẩu gặp khó như trong thời gian qua, trong đó có việc DN địa phương còn thiếu thông tin về các thị trường xuất khẩu.

gap kho vi thieu thong tin
Ảnh minh họa

DN “đói” thông tin

Phát biểu tại Hội nghị Tham tán thương mại 2016, về “Đổi mới phương thức hoạt động thương vụ và công tác thị trường trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế”, do Bộ Công Thương vừa mới phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức, ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra những con số không mấy khả quan về tình hình xuất khẩu của địa phương.

Theo đó, xuất khẩu năm 2015 của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các mặt hàng đều sụt giảm mạnh cả về lượng và giá so với những năm trước. Đơn cử, xuất khẩu mặt hàng chủ lực cà phê nhân chỉ đạt 180 nghìn tấn, giảm hơn 20% so với năm 2014, cao su đạt 5,5 nghìn tấn giảm 25%, hạt tiêu cũng chỉ đạt 3,1 nghìn tấn giảm đến 36%.

Ngoài số lượng sụt giảm, giá các mặt hàng xuất khẩu của Đắk Lắk cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động giá trên thị trường thế giới, nhất là cao su đã sụt giảm liên tục trong 3 năm gần đây… Thậm chí, có mặt hàng chỉ xuất khẩu sang được một thị trường duy nhất (Trung Quốc), như tinh bột sắn, điều nhân…

Cũng theo ông Ninh, đẩy mạnh xuất khẩu Đắk Lắk tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với DN cả trong lẫn ngoài nước, song hiệu quả mang lại chưa cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất khẩu gặp khó như trong thời gian qua, trong đó có việc DN địa phương còn thiếu thông tin về các thị trường xuất khẩu.

Cũng liên quan đến việc DN còn “đói” thông tin thị trường, bà Nguyễn Thị Kim Ánh, Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, các DN trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên hầu hết có quy mô nhỏ và vừa nên khả năng tiếp cận thị trường cũng như năng lực cạnh tranh, tiếp cận thông tin còn hạn chế. DN đang rất cần những thông tin cập nhật về các thị trường để liệu đường xoay xở.

Tương tự, theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, chính quyền các địa phương rất kỳ vọng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, cung cấp thông tin, cơ chế chính sách, thị trường, kết nối DN... tại các nước có thương vụ của Việt Nam.

Thực tế vai trò của tham tán thương mại tại các nước là cực kỳ quan trọng. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ thông tin thị trường cho DN, còn là tác nhân đóng vai trò lớn hỗ trợ DN trong những tranh chấp thương mại, khi nảy sinh tranh chấp, bị kiện chống bán phá giá… Đây là “cầu nối” thúc đẩy giao thương, chủ động nắm bắt thị trường nước sở tại và thông tin kịp thời cho DN trong nước.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế (TP. Đà Nẵng) cho rằng, trong bối cảnh DN trong nước còn thiếu thông tin về thị trường như hiện nay, ngoài việc cung cấp thông tin, tư vấn trực tiếp, hỗ trợ hướng dẫn giải quyết các vướng mắc nảy sinh cho cả hai bên xuất, nhập khẩu thì chỉ có tham tán thương mại tại các nước sở tại mới giải quyết được…

Phát huy vai trò “cầu nối”

Hiện, tại miền Trung - Tây Nguyên có nhiều mặt hàng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi các hiệp định thương mại có hiệu lực như thuỷ sản, dệt may, giày da, chế biến xuất khẩu gỗ, hàng mỹ nghệ… Vì vậy, việc đề nghị các tham tán thương mại tích cực, hiệu quả hơn trong vai trò làm “cầu nối” giới thiệu thông tin về thị trường, khuyến cáo rủi ro, hỗ trợ tìm kiếm đối tác cho các DN là rất quan trọng.

Về phía đại diện các thương vụ của Việt Nam lại cho rằng, một số DN còn thờ ơ với thị trường xuất khẩu, hay nói cách khác làm ăn còn hời hợt, chưa có sự đầu tư nghiêm túc. Ông Nguyễn Cách Cường, tham tán Việt Nam tại EU đưa ra ví dụ, việc các DN gửi email đến các đại diện cơ quan thương mại ở Việt Nam tại nước ngoài còn chung chung, thiếu tiêu đề, sơ sài rất khó trả lời.

Trong khi, khối lượng công việc của các thương vụ nước ngoài là rất bận rộn. Tiêu chuẩn nhập khẩu của EU cũng rất cao. Muốn xuất khẩu được sản phẩm sang các nước EU, DN phải chứng minh được chất lượng sản phẩm thông qua những số liệu cụ thể, ví dụ như sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn cụ thể nào của EU hay Mỹ…

Tương tự, theo ông Đào Trần Nhân, tham tán Việt Nam tại Hoa Kỳ, DN cần xác định xuất khẩu mặt hàng thị trường cần, chứ không phải xuất khẩu mặt hàng mình có. Thực tế, không ít DN còn mơ hồ với thị trường xuất khẩu nói chung, thị trường Mỹ nói riêng…

Cũng theo ông Nhân, đối với DN làm hàng thực phẩm, bắt buộc phải có văn phòng đại diện tại Mỹ nếu muốn đưa hàng vào thị trường này. Bên cạnh, DN cũng cần sẵn sàng đáp ứng yêu cầu sản xuất từ trong nước. Các đối tác nhập khẩu có thể sẽ gõ cửa, kiểm tra đột xuất nhà máy không có sự thông báo cho các cơ quan hữu quan lẫn DN.

Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trước hết DN phải sẵn sàng hội nhập, thúc đẩy hiệu quả của việc xuất nhập khẩu cũng như mối quan hệ giữa DN với các thương vụ là hoạt động hai chiều. Các tham tán thương mại phải làm nhiệm vụ nghiên cứu thị trường tại nước sở tại.

Từ đó, có những thông tin cụ thể, thiết thực để hỗ trợ cho các DN trong nước. Ngược lại, DN cũng phải tự tìm hiểu thông tin về thị trường, sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, đăng ký chất lượng quốc tế…

Nghi Lộc

Tin đọc nhiều