Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp gia đình

08:00 | 05/07/2019

Các doanh nghiệp gia đình đang đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, và vì thế, thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp gia đình, của hộ kinh doanh cũng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước.

Nhắc đến cụm từ “Doanh nghiệp gia đình” thì chúng ta luôn cảm thấy quá quen thuộc bởi vai trò lãnh đạo của các cá nhân. Và trong đó, sẽ gắn liền với sự hiện diện của một gia tộc, một dòng họ như là mặc định.

Ông David Tay - Giám đốc Phát triển kinh doanh, PwC Malaysia & Việt Nam cho biết, doanh nghiệp gia đình có những tác động lớn lên nền kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp gia đình chiếm 66% GDP toàn cầu, đóng góp từ 60 – 70 nghìn tỷ USD cho toàn cầu. Theo thống kê của PWC, khối doanh nghiệp này tạo ra hơn 60% giá trị nền tảng trên thế giới.

gia tri cot loi cua doanh nghiep gia dinh
Tân Hiệp Phát – doanh nghiệp gia đình thành công trên thương trường

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, doanh nghiệp gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Khảo sát 10 doanh nghiệp gia đình lớn nhất trên thế giới hiện nay cho thấy, tổng số vốn của họ lên đến trên 3.000 tỷ USD.

Trong xu thế đó, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất tại Việt Nam đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Tân Hiệp Phát, Thành Thành Công, Kido…

Các doanh nghiệp gia đình đang đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, và vì thế, thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp gia đình, của hộ kinh doanh cũng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước.

Yếu tố để doanh nghiệp gia đình thành công là phải xây dựng được nền tảng quản trị chuyên nghiệp, không thể vận hành theo kiểu “gia đình trị” và “tình trị” mà phải là kỹ trị và phải quản lý một cách chuyên nghiệp. Các thành viên gia đình được khuyến khích tham gia vào đầu tư, quản trị doanh nghiệp. Khi tuyển dụng các thành viên gia đình vào các vị trí quản trị cũng phải nghiêm ngặt như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Có vậy doanh nghiệp mới phát triển, nếu không muốn thất bại, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ, trong một doanh nghiệp gia đình, tất cả các thế hệ đều luôn phải đổi mới tư duy và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cần được ưu tiên trên hết.

Truyền thống trong gia đình cũng là vấn đề rất quan trọng. Trong một doanh nghiệp gia đình, thường có 3 nhóm thành viên: những người điều hành quản trị, các thành viên trong gia đình có cổ phần và các thành viên gia đình khác. Và để xử lý hài hòa tất cả các vai trò này là bài toán rất khó, bà Uyên Phương cho biết.

Tại Tân Hiệp Phát, quyền lực của nhà sáng lập được phân phối ở 3 vai trò là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc và người điều hành quản trị.

Do đó, tại Tân Hiệp Phát có cả Ban cố vấn với các chuyên gia kinh tế. Ban cố vấn chỉ làm việc duy nhất là chất vấn Chủ tịch HĐQT. Theo đó, chủ tịch phải giải thích cho những người không tham gia vào quá trình điều hành về những quyết sách, hoạt động của doanh nghiệp, đây là sự cởi mở của người sáng lập Tân Hiệp Phát. Đây cũng chính là giải pháp của Tân Hiệp Phát để lựa chọn được những nhà quản trị có năng lực đồng thời đưa cả những nhân sự có trình độ chuyên môn cao từ bên ngoài vào, phát triển doanh nghiệp bền vững, bà Uyên Phương cho biết thêm.

Tuy nhiên, khi đã có thành công nhất định thì việc phát triển bền vững của doanh nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào sự chuyển giao kế nghiệp từ thế hệ đi trước cho thế hệ sau.

Ông David Tay chia sẻ, kết quả khảo sát của PWC về kế hoạch của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam trong thời gian tới và cho thấy, chỉ 57% doanh nghiệp sẽ có kế hoạch bàn giao quyền lực cho các thành viên gia đình trong 10 năm tới. Kinh nghiệm thành công của các tập đoàn, doanh nghiệp gia đình trên thế giới cũng chỉ ra rằng, tuyển dụng các thành viên vào vị trí quản trị phải chuyên nghiệp. Thậm chí, nếu thành viên gia đình không đảm bảo năng lực quản trị hoàn toàn có thể tuyển dụng nhân sự quản trị từ bên ngoài. Nhưng không thể phủ nhận việc các thành viên gia đình sẽ thuận lợi hơn nhiều so với nhân sự từ bên ngoài bởi bên cạnh năng lực trong quản trị sẽ là sự gắn kết gia đình.

Kế nghiệp vốn là sự kế thừa và tiếp tục, nhưng trong bối cảnh hiện nay, nó còn phải là sự sáng tạo. Trong quản trị, các doanh nghiệp gia đình hãy quan niệm doanh nghiệp như gia đình mở rộng, tức là cần xây dựng văn hóa công ty như xây dựng văn hóa gia đình; phải quan tâm tới người lao động, khách hàng như anh em trong gia đình. Đây chính là công thức thành công, ông David Tay nhấn mạnh.

Chia sẻ về sự thành công trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương cho biết: Tân Hiệp Phát đã xây dựng được một yếu tố văn hóa vô cùng quan trọng, đó là văn hóa ghi nhận những người xung quanh. Đây là một nét văn hóa chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam.

Đức Hiền​

Tin đọc nhiều