Giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho nông dân

12:00 | 28/08/2017

Câu chuyện liên kết, kết nối tiêu thụ nông sản giữa các địa phương đã và đang mang lại hiệu quả lớn giúp người sản xuất vừa có cơ hội tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp các DN kinh doanh hàng nông sản có được nguồn cung dồi dào, phong phú và chất lượng.

Giải bài toán “được mùa, mất giá”
Để tận dụng cơ hội cho nông sản Việt

Nhu cầu về tiêu thụ nông sản ngày càng tăng cao nhưng trên thực tế việc cung cầu chưa thực sự gặp nhau nên vẫn còn cảnh các sản phẩm nông sản làm ra rất khó tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Dẫn đến việc người sản xuất làm ra sản phẩm nông sản nhưng không tiêu thụ được, trong khi các DN kinh doanh, tiêu thụ hàng nông sản cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy việc tổ chức các chương trình liên kết hàng nông sản được coi là cách thức kết nối kinh doanh giữa người sản xuất, DN phân phối và mở rộng thị trường tiêu thụ.

giai bai toan tieu thu san pham cho nong dan
Câu chuyện liên kết, kết nối tiêu thụ nông sản giữa các địa phương đã và đang mang lại hiệu quả lớn

Trong những năm qua, kết nối cung - cầu nông sản được cho là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đây là bài toán đang được các địa phương và các cơ quan chức năng tìm lời giải. Để khắc phục thực trạng này, cần tạo dựng một mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp để qua đó hàng nông sản sản xuất ra có sản lượng ổn định và chất lượng đồng đều, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt việc liên kết, kết nối giữa các địa phương để tạo thành chuỗi liên kết là giải pháp được đánh giá cao.

Hà Nội là địa bàn có lượng tiêu thụ hàng nông sản lớn nhất cả nước, cũng đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông sản. Tuy nhiên do nhu cầu vượt cung nên sản xuất tại chỗ của thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, còn lại phải nhập nông sản từ các tỉnh bạn.

Bởi vậy thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh thành trên cả nước và tạo điều kiện thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết hàng nông sản. Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại - Du lịch Hà Nội cho biết, với trên 10 triệu dân đang sinh sống và hàng năm đón khoảng trên 21 triệu lượt khách du lịch, Hà Nội cần lượng lương thực, thực phẩm rất lớn.

Các sản phẩm nông sản sản xuất trên địa bàn thủ đô mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, còn lại được cung cấp từ nhiều tỉnh thành về Hà Nội như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hưng Yên… Thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến với các địa phương để trao đổi cung cấp các sản phẩm nông sản thông qua việc ký kết các chương trình hợp tác tiêu thụ hàng nông sản, ký kết với các Hợp tác xã, DN để bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Hiện nay, Hà Nội và các tỉnh đã và đang đẩy mạnh mở rộng liên kết vùng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức hội thảo, hội chợ, triển lãm tạo cơ hội cho nông dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng đầu ra cho nông sản.

Bên cạnh đó, đã có rất nhiều siêu thị, DN của Hà Nội tham gia ký kết với các DN đầu mối địa phương nhằm cung cấp các sản phẩm tiêu thụ tại siêu thị. Đơn cử như tại chương trình liên kết với tỉnh Hải Dương, các DN, siêu thị ở Hà Nội như hệ thống Fivimart, Big C, Vinmart, Co.opmart, Intimex... đều cam kết bao tiêu và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng là vải thiều với số lượng lớn. Hàng loạt các loại nông sản như cà rốt, khoai tây, cà chua, dưa hấu, ổi, vải, na, chuối, bưởi... cũng được các siêu thị cam kết đưa vào hệ thống để tiêu thụ.

Cuối tháng 7/2017, UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giới thiệu cơ chế, chính sách, tiềm năng đầu tư kết nối tiêu thụ nông sản và du lịch. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ giúp đỡ đưa sản phẩm nông nghiệp của Sơn La vào thị trường thành phố Hà Nội, từ đó kết nối với các thị trường trong nước và xuất khẩu nhằm tạo đột phá trong tổ chức sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của địa phương…

Tại hội nghị, nhiều DN Hà Nội đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản trong hệ thống siêu thị. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) ký kết tiêu thụ quả táo mèo làm rượu với giá trị 200 - 300 triệu đồng/năm; tiêu thụ chè xanh, chè đen của HTX Nông nghiệp Hà Anh với giá trị 1 tỷ đồng/năm. Hapro hợp tác với một số DN tỉnh Sơn La tiêu thụ sản phẩm rượu vodka trị giá khoảng 700 triệu đồng/năm. Công ty cổ phần Nhất Nam kết nối tiêu thụ rau, củ, quả an toàn của HTX rau an toàn tự nhiên - Mộc Châu…

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch thành phố Hà Nội, cuối tháng 8/2017 tới đây sẽ tổ chức Hội nghị “Kết nối giao thương, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng năm 2017”.

Qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ các DN sản xuất, chế biến các sản phẩm đặc trưng; Rau, hoa, trà, cà phê, đặc sản của tỉnh Lâm Đồng được gặp gỡ, trao đổi và kết nối cung cầu với các DN, nhà phân phối, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị... trên địa bàn thành phố Hà Nội để giới thiệu đến người tiêu dùng trên địa bàn các tỉnh, thành phố về các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, góp phần hỗ trợ DN và nhân dân Lâm Đồng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước khắc phục tình trạng được mùa mất giá.

Câu chuyện liên kết, kết nối tiêu thụ nông sản giữa các địa phương đã và đang mang lại hiệu quả lớn giúp người sản xuất vừa có cơ hội tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp các DN kinh doanh hàng nông sản có được nguồn cung dồi dào, phong phú và chất lượng. Đồng thời, giúp các địa phương có mối liên kết chặt chẽ trong việc kết nối và bao tiêu các sản phẩm nông sản an toàn, xây dựng thương hiệu địa phương để nâng giá trị nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất theo hướng ổn định, hiệu quả, an toàn.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều