Giải cứu ngành sản xuất cá tra

15:08 | 15/06/2012

Các nhà sản xuất, chế biến ước tính cần khoảng 5.000 tỷ đồng để mua 200.000 tấn cá tra của dân. Do đó, Hiệp hội đề nghị ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hỗ trợ các DN có hợp đồng xuất khẩu thu mua nguyên liệu cá tra, kỳ hạn vay 4 tháng (2 kỳ hạn cho năm 2012) với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm, giải ngân theo tiến độ thu mua.

Chuyện muôn thuở

Cá tra là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD và đứng thứ 2 sau mặt hàng tôm, chiếm trên 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, kế hoạch xuất khẩu cá tra của nhiều DN đang gặp khó khăn cả về nguyên liệu và giá xuất khẩu.


DN đang khó khăn trong việc thu mua cá tra nguyên liệu

Một DN chế biến cá Tra ở An Giang cho biết, trước đây nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của DN làm ăn rất tốt, mỗi ngày sản xuất 60 tấn cá, lợi nhuận thu được khá lớn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, tình hình hoạt động của nhà máy cứ lao dốc, giảm dần sản lượng chế biến, do thiếu nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm khó khăn. Hiện nhà máy chỉ chạy khoảng 20% công suất, trong khi vẫn đang phải trả ngân hàng lãi suất cao, khiến DN đang điêu đứng. Nếu tình trạng này cứ kéo dài đến hết năm thì nguy cơ DN phải ngừng hoạt động là hiển nhiên.

Hiện giá cá tra nguyên liệu ở An Giang liên tục giảm trong nhiều tuần qua và dao động từ 22.000 đồng đến 23.300 đồng/kg. Giá thành sản xuất cá tra hiện nay đang ở mức khoảng 24.366 đồng/kg, nên người nuôi bị lỗ từ 1.000 đồng đến hơn 2.000 đồng/kg. Tình trạng này dẫn đến nhiều hộ nuôi tính đến việc treo ao, do không có vốn để tái đầu tư.

Cần liều thuốc mạnh

Toàn tỉnh An Giang 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng cá tra, ba sa nuôi lồng, bè trên địa bàn thu hoạch giảm chỉ bằng 89% so cùng kỳ. Chính nguyên liệu chế biến bất ổn khiến nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, một số chỉ hoạt động từ 30 - 40% công suất, thậm chí chỉ 10 - 20% công suất. Tình trạng thiếu cá nguyên liệu dự báo sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến thủy sản trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay ngành cá tra đang gặp khó khăn nghiêm trọng như thiếu vốn lưu động, thiếu nguyên liệu, sản xuất đình đốn... Theo dự báo của VASEP, các nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động sẽ thiếu hụt 40% lượng nguyên liệu cần thiết kể từ quý III. Nếu không tháo gỡ kịp thời trong năm nay sẽ có khoảng 20-30% DN phá sản. Như vậy, chuỗi sản xuất của ngành cá tra sẽ bị thu hẹp trong năm 2012 và ảnh hưởng đến các năm tiếp theo.

Các nhà sản xuất, chế biến ước tính cần khoảng 5.000 tỷ đồng để mua 200.000 tấn cá tra của dân. Do đó, Hiệp hội đề nghị ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hỗ trợ các DN có hợp đồng xuất khẩu thu mua nguyên liệu cá tra, kỳ hạn vay 4 tháng (2 kỳ hạn cho năm 2012) với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm, giải ngân theo tiến độ thu mua. Trước mắt, có khoảng 100.000 tấn cá cần tiếp sức, tương ứng 2.000 tỷ đồng, VASEP đề nghị VDB hỗ trợ cho các DN có vùng nuôi cá tra tập trung vay vốn để mua thức ăn, tiếp tục nuôi cá trong ao. Kỳ hạn cho vay là 4 tháng (một nửa chu kỳ nuôi), mỗi ha ấn định sản lượng là 300 tấn để tính mức cho vay.

Trước những khó khăn của ngành, VASEP đã đề nghị VDB nghiên cứu giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngành cá tra Việt Nam. Ngày 24/5/2012, VDB đã gửi VASEP công văn số 1664/NHPT- TTKH thông báo, Ngân hàng sẵn sàng tham gia giải quyết khó khăn về vốn theo quy định hiện hành để các DN phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm, cân đối được tài chính, ổn định công việc và đời sống cho người lao động.

Trước hết, ngân hàng hỗ trợ đối với các DN đang hoạt động sản xuất, xuất khẩu bình thường, có khả năng lan tỏa cho vùng sản xuất và các DN khác. Trường hợp DN có tình hình tài chính bình thường nhưng tạm thời khó khăn về vốn lưu động, ngân hàng có thể xem xét cho vay dòng tiền mới, phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền luân chuyển cho hoạt động của DN. Nếu DN đang vay vốn của VDB, thì ngân hàng có thể cơ cấu lại nợ theo quy định và tiếp tục cho vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm. Đây được coi là "liều thuốc đặc trị" cho các DN đang gặp khó khăn.

Ngày 7/6/2012, theo đề xuất của VASEP, VDB đã gửi Công văn hỏa tốc số 1812/NHPT-TDXK tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra theo Nghị quyết số 13/NQ-CP. Theo đó, VDB trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận 3 đề xuất: Thứ nhất, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế xử lý rủi ro vốn tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, cho phép VDB được gia hạn nợ các khoản vay xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra nói riêng đối với các DN vay vốn gặp khó khăn tạm thời về tài chính, thời gian gia hạn nợ tối đa 2 năm. VDB có trách nhiệm phối hợp với VASEP rà soát và xử lý cụ thể với từng trường hợp để gia hạn nợ, tiếp tục cho vay vốn duy trì sản xuất, xuất khẩu, ổn định việc làm cho người lao động.

Thứ hai, trong khi chờ ban hành quy chế tín dụng xuất khẩu theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, cho phép VDB ngoài việc cho DN vay vốn để thu mua cá trong dân, được cho các DN có nhà máy chế biến, có vùng nuôi vay vốn để tự phát triển vùng nuôi, chủ động khâu nguyên liệu và thu hồi dần vốn cho vay theo từng hợp đồng xuất khẩu của DN.

Thứ ba, đối với một số DN xuất khẩu thủy sản có thương hiệu đang phải tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng đến lao động tại địa phương, ngoài các giải pháp trên đề nghị các cơ quan liên quan và VASEP có biện pháp hỗ trợ DN cơ cấu lại sản xuất, tài chính, quản trị, tổ chức hoạt động... Các ngân hàng được phép khoanh nợ, tiếp tục cho vay bổ sung vốn lưu động để DN khôi phục sản xuất tạo nguồn thu trả nợ.

Bài và ảnh Nguyễn Minh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều