Giải pháp giúp doanh nghiệp giữ “sân nhà”

11:15 | 21/12/2018

DN Việt Nam cần theo dõi sát sao tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, để tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về PVTM để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước. Qua đó, sử dụng ngay biện pháp phù hợp khi có hiện tượng hàng hóa nước ngoài gây sức ép cạnh tranh không công bằng...

Chống đôla hóa, tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu
Chủ động vận dụng tốt để cạnh tranh hơn

Theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, Việt Nam sẽ phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan và mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn biến bất thường, hàng hóa của Trung Quốc có thể tìm đến các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam.

giai phap giup doanh nghiep giu san nha
Cần đẩy mạnh việc sử dụng công cụ PVTM nhằm bảo vệ sản xuất nội địa

Điều này khiến sức ép cạnh tranh của hàng Việt với hàng ngoại trên thị trường nội địa là rất lớn và nếu không có biện pháp bảo vệ, nguy cơ “thua trên sân nhà” của các DN trong nước là điều rất có thể sẽ xảy ra.

Không còn là cảnh báo, ông Nguyễn Công Thừa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Anh Dao Co.op) cho biết, hàng nông sản Trung Quốc được đưa vào thị trường Việt Nam là chuyện bình thường diễn ra từ nhiều năm qua. Nhưng từ khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc nổ ra, số lượng hàng nông sản Trung Quốc xuất sang Việt Nam nhiều hơn.

Ngay cả một thủ phủ về nông sản của Việt Nam như Lâm Đồng, thời gian gần đây cũng chứng kiến sự tấn công rất mạnh của nông sản Trung Quốc, không chỉ ở số lượng mà cả chủng loại hàng hóa cũng tăng gấp 2 lần so với trước đây. Cụ thể, trước đây khoai tây, cà rốt, hành tây là những mặt hàng nông sản Trung Quốc xuất sang Việt Nam nhiều nhất, giờ có thêm cả bông cải xanh, cà chua... Thậm chí thời gian vừa qua, tình trạng nông sản Trung Quốc “đội lốt” nông sản Đà Lạt đã khiến giá nông sản Đà Lạt rớt thê thảm.

Ngành thép cũng trong tình trạng tương tự. Những năm trước đây, do dư thừa công suất nên thép giá rẻ từ Trung Quốc đã tìm mọi đường để thâm nhập thị trường Việt Nam, gây nhiều khó khăn cho sản xuất trong nước. Nay tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn khi mà Mỹ đã áp thuế nhập khẩu khá lớn lên thép của Trung Quốc.

Không chỉ là thép Trung Quốc tràn vào, mà theo ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay ngành thép đang bị vạ lây vì nhiều nước nghi thép Trung Quốc đội lốt thép Việt để tránh thuế quan, ảnh hưởng lớn đến thép Việt khi xuất khẩu sang các thị trường.

Trong khi đó, một trong những công cụ hữu ích là phòng vệ thương mại (PVTM) lại rất ít khi được sử dụng. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tính đến ngày 15/10/2018, có tới 141 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó về phía Việt Nam, trong giai đoạn 2016 tới tháng 10/2018, Bộ Công thương mới chỉ áp dụng 6 biện pháp PVTM đối với phân bón DAP, bột ngọt, các sản phẩm sắt thép như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu.

Nguyên nhân một phần cũng bởi các DN trong nước vẫn xem nhẹ biện pháp bảo vệ này. Ông Lương Kim Thành - Cục PVTM (Bộ Công thương) cho biết, mặc dù cơ quan điều tra có thể tự khởi xướng một vụ điều tra, tuy nhiên hầu hết các vụ việc PVTM được khởi xướng dựa trên đơn kiện của các nhà sản xuất trong nước. Vì các nhà sản xuất trong nước là người tiếp cận trực tiếp và phát hiện được các hành vi cạnh tranh không công bằng của các nhà xuất khẩu nước ngoài, cũng như hiểu rõ nhất những thiệt hại mà ngành sản xuất mình đang gặp phải.

“Trong trường hợp các DN trong nước không gửi đơn kiện, cơ quan có thẩm quyền khó có thể tiến hành cuộc điều tra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN”, ông Thành nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, ông Lê Triệu Dũng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục PVTM chia sẻ, nhận thức của DN Việt Nam hiện nay về công cụ PVTM tuy có cải thiện nhưng nhìn chung còn yếu. Trong khi đó, tính chất phức tạp và thời gian theo kiện tương đối dài của các biện pháp PVTM đòi hỏi DN cần nắm rõ bản chất và các điều kiện sử dụng công cụ này.

Do đó, để tăng cường nhận thức về các biện pháp PVTM trong các FTA, cộng đồng DN cần thiết tăng cường thông tin về PVTM trong các FTA qua kênh hiệp hội ngành hàng, chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền vận dụng các biện pháp PVTM được phép áp dụng trong WTO và các FTA để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu.

Hơn ai hết, DN Việt Nam cần theo dõi sát sao tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, để tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về PVTM để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước. Qua đó, sử dụng ngay biện pháp phù hợp khi có hiện tượng hàng hóa nước ngoài gây sức ép cạnh tranh không công bằng.

Huy Linh

Tin đọc nhiều