Giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp xuất khẩu

11:00 | 25/10/2018

Vấn đề DN quan tâm là giải quyết tranh chấp thương mại với thời gian và chi phí thấp nhất.

Tận dụng FTA, xuất khẩu bứt phá
Tranh chấp có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng

Áp lực từ chiến tranh thương mại

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc bắt đầu hồi tháng 7, khi Hoa Kỳ áp thêm mức thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến tháng 8, thêm 16 tỷ USD hàng hóa chịu thuế suất 25% và tháng 9 cuộc chiến nóng thêm với 200 tỷ USD hàng hóa chịu thuế suất 10%.

giai quyet tranh chap cho doanh nghiep xuat khau
Trọng tài thương mại đang là xu hướng được nhiều DN quan tâm

Cho đến nay, tổng giá trị hàng hóa chịu thuế trừng phạt đã chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện Việt Nam đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ, khoảng 32 tỷ USD.

“Chính vụ căng thẳng thương mại này là nguyên nhân dẫn đến rủi ro lớn cho hàng hóa và DN xuất khẩu trong nước khi một lượng hàng xuất khẩu không nhỏ của Trung Quốc được chuyển tải vào Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt động này cũng có trường hợp là hành vi “đội lốt” thông qua DN nội địa hay DN FDI tại Việt Nam. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, đây có thể trở thành cái cớ để Hoa Kỳ trừng phạt DN xuất khẩu Việt Nam” - TS. Thành nhấn mạnh.

Vừa qua, mặt hàng thép Việt Nam nhưng có xuất xứ Trung Quốc là ví dụ điển hình khi bị Mỹ đánh thuế lên đến 450% (bao gồm 199,76% thuế chống phá giá và 256,44% thuế đối kháng). Theo nhận định của các chuyên gia, điều này còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Chính vì vậy, các DN xuất khẩu cần nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như chủ động nhận diện rủi ro trong hoạt động giao kết cũng như thực hiện các hợp đồng xuất nhập khẩu.

Cẩn trọng khi ký kết hợp đồng

LS. Lê Thành Kính, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, ngoài rủi ro từ nguy cơ bị áp thuế cao trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, các DN xuất khẩu trong nước cần cẩn trọng khi ký kết hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài để tránh những thiệt hại và giải quyết tranh chấp về sau, tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc. Trong quá trình xử lý các vụ kiện tụng, tranh chấp thương mại, rất nhiều vụ việc có liên quan đến bộ chứng từ xuất nhập khẩu.

Trong đó, việc làm giả toàn bộ chứng từ xuất nhập cảng để thông quan khá phổ biến. Vì vậy, khi chuẩn bị hồ sơ và tờ khai, DN cần đọc kỹ những thông tin như tên hàng, số lượng, đơn giá, điều kiện giao hàng, phương thức thanh toán... và kiểm tra chéo với những chứng từ khác để tránh sai sót, đảm bảo tính chính xác.

Số liệu của VIAC cho thấy, trong các vụ kiện tụng, tranh chấp thì có đến 61% đến từ hoạt động giao thương hàng hóa với DN, đối tác nước ngoài. Trong đó, rủi ro phổ biến là không lựa chọn kỹ đối tác tin cậy, không cảnh giác trước điều kiện của hợp đồng, cũng như không thực hiện các biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng.

Các chuyên gia nhận định, một trong những yếu điểm của DN Việt Nam là ít khi sử dụng các dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường, luật sư, bảo lãnh ngân hàng... Nên khi có rủi ro xảy ra rất khó khăn cho việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp do không có sự chuẩn bị kỹ càng ngay từ ban đầu.

Các DN có thể lựa chọn tòa án hay trọng tài để giải quyết vấn đề, và mỗi hình thức đều có ưu nhược điểm riêng, tùy vào điều kiện thực tế của DN để có thể áp dụng phương án tối ưu nhất. Song, các chuyên gia cho rằng, trọng tài thương mại đang là xu hướng được các DN, tập đoàn trên thế giới lựa chọn để giải quyết các tranh chấp về thương mại.

Tại Việt Nam, phương án này cũng bắt đầu được nhiều DN quan tâm và coi như là một phương thức giải quyết tranh chấp mới hiệu quả. Đối với phương án giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có sự chủ động của 2 bên liên quan nên thời gian sẽ được rút ngắn đến mức tối đa (ngắn nhất là 24 ngày trung bình khoảng 152 ngày so với tòa án 400 ngày).

Bên cạnh đó, hiệu lực phán quyết bản án sử dụng trọng tài sẽ có hiệu lực pháp luật ngay và có giá trị chung thẩm. Phạm vi thi hành phán quyết của trọng tài thương mại trải rộng tại 152 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, DN cần lưu ý để giải quyết tranh chấp bằng phương cách này cần phải có thỏa thuận rõ ràng, tốt nhất nên đưa điều khoản “giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại” vào hợp đồng để thuận lợi cho việc giải quyết khi rủi ro phát sinh.

Tuyết Thanh

Tin đọc nhiều