Giảm chi phí logistics để cải thiện chuỗi giá trị hàng hóa

16:03 | 24/10/2017

Ngày 24/10/2017, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Diễn đàn “Các giải pháp chính sách tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng”.

Giảm chi phí logistics từ đâu?
Tích hợp chức năng phát triển logistics vào Ủy ban Một cửa Quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại
Logistics tạo đà cho xuất khẩu

Theo TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, để có được động lực tăng trưởng bền vững cho các năm tới (giai đoạn 2018-2020) thì một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường hiệu lực quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, tháo nút thắt cho đầu tư công và tăng hiệu quả sử dụng vốn của DN trong nước.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí logistics, đẩy mạnh cải cách DNNN và tạo điều kiện hỗ trợ phát triển DN.

giam chi phi logistics de cai thien chuoi gia tri hang hoa
Toàn cảnh Diễn đàn

Liên quan đến vấn đề logistics, theo các đánh giá của Hiệp hội DN dịch vụ logicstics Việt Nam (VLA), các yếu tố chính khiến chi phí logistic cao là do phí cầu đường và chi phí không chính thức; Cơ sở hạ tầng vận tải đường sắt chậm phát triển trong khi còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ về vận tải đường thuỷ nội địa; Sự phân mảnh của hạ tầng kho hàng, trung tâm logistics…”

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho rằng: “Nếu không có những thay đổi tích cực và giải pháp mạnh mẽ hơn nữa thì gánh nặng của các chi phí không chính thức bên cạnh các chi phí logistics sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành hàng hóa và là rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí chuỗi giá trị hàng hóa của Việt Nam và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế”.

Cụ thể về giải pháp, VLA cho rằng cơ quan quản lý cần tập trung vào việc giảm các chi phí có thể tác động được thuộc quyền ban hành chính sách (giá nhiên liệu, phí cầu đường, BOT…) và có biện pháp điều chỉnh thị phần của các loại hình vận tải để giảm tải cho đường bộ.

Nhà nước xem xét quy hoạch lại về bản đồ logistics quốc gia, theo hướng hạn chế các kho nhỏ, ưu tiên các khu vực đã có các kho lớn và ngừng cấp phép phát triển kho dịch vụ với những nơi đã đủ công suất. Tăng cường kết nối theo hướng liên kết vùng để sử dụng và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tránh đầu tư phân mảnh.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc hình thành và phát triển hệ thống các trung tâm logistics. Tại các trung tâm này sẽ tập trung tất cả các cơ quan hữu quan từ các Bộ, ngành, ngân hàng, hãng tàu, hải quan... nhờ đó các DN có thể sử dụng các dịch vụ logistics tích hợp tại chỗ, giảm thời gian và chi phí cũng như đơn giản hóa vấn đề xử lý thủ tục chứng từ.

Ngoài ra, cần tiếp tục cải thiện thủ tục hải quan, minh bạch trong vấn đề làm thủ tục hải quan và vận tải bộ để chi phí không chính thức không còn là gánh nặng cho chi phí logistics.

Trong khi đó, các các công ty logistics cần tăng cường sự hợp tác với nhau như chia sẻ hàng hóa (slot chỗ) qua đó cân đối luồng hàng vận chuyển hai chiều nhằm nỗ lực tiết kiệm chi phí logistics cho khách hàng.

Các nhà cung cấp dịch vụ logistics cũng cần nâng cao năng lực chuyên môn, phục vụ tốt về thời gian và giảm chi phí để góp phần giảm những thành phần chi phí thuộc các nhà cung cấp dịch vụ logistics nói chung.

Đồng thời, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường hoạt động sang các nước trong khu vực để vừa tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới vừa có cơ hội cung cấp dịch vụ logistics cho hàng hóa xuất khẩu.

Các công ty logistics cũng cần chú trọng đầu tư và sử dụng nhiều hơn nữa các ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) để đảm bảo sự kết nối thông suốt giữa khách hàng với các đối tác trong toàn chuỗi logistics nhằm tận dụng ưu thế của ICT trong việc cung cấp thông tin cần thiết cho khách hàng và xử lý các dịch vụ logistics một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn.

Đỗ Phạm

Tin đọc nhiều