Giám sát DNNN chọn lọc thay vì đại trà

10:16 | 24/04/2019

Mục tiêu cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn nhà nước theo kế hoạch là mục tiêu không trì hoãn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là cơ chế giám sát DNNN hiện chưa hiệu quả. Vì vậy tới đây, việc giám sát có thể chọn lọc để tăng hiệu quả thay vì cùng lúc giám sát tất cả các DNNN như thời gian qua…

Để thúc đẩy cổ phần hóa thành công
Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý tiền thu từ cổ phần hóa DNNN
giam sat dnnn chon loc thay vi dai tra
Mục tiêu CPH và thoái vốn nhà nước là mục tiêu không trì hoãn

Nhận xét về quá trình sắp xếp, CPH DNNN ở Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN khẳng định, mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành cơ cấu lại và đổi mới DNNN đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN và năng lực cạnh tranh của DNNN là khả thi cho dù trong thực tế vẫn còn độ trễ của chính sách.

“Mục tiêu CPH và thoái vốn nhà nước là mục tiêu không trì hoãn. Quan điểm và chủ trương chỉ đạo của Chính phủ là phải thực hiện nghiêm túc việc thoái vốn, CPH”, ông Long nhấn mạnh.

Tuy nhiên hiện nay một số văn bản ban hành ra để đảm bảo việc CPH, thoái vốn minh bạch hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là vấn đề đất đai và xác định giá trị DN chậm đi vào đời sống. Giải thích lý do chậm trễ này, ông Long cho rằng, bất cứ văn bản nào ra cũng có độ trễ của nó như việc xác định phương án sử dụng đất thì với hướng dẫn mới tất cả các xác định từ trước đến nay thì phải làm lại từ đầu. Cái này cũng chỉ là để làm sao cho hiệu quả, tránh thất thoát.

Tới nay cơ chế quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước, đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình tái cơ cấu DNNN cũng được rà soát và khẳng định đã đạt kết quả nhìn từ mô hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Từ cuối 2018, thực hiện Nghị định số 131 của Chính phủ ngày 29/9/2018, SCIC dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cùng 18 tập đoàn, tổng công ty khác đã từng bước khẳng định vai trò của DNNN nhất là trong quản trị DN. Do đó một trong những định hướng của SCIC là nghiên cứu cơ hội tham gia đầu tư dự án đặc biệt là các dự án có trọng điểm quy mô lớn, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty tìm kiếm cơ hội đầu tư để hợp tác triển khai dự án.

Cùng tham gia triển khai các dự án mà các tập đoàn, tổng công ty đang triển khai hiệu quả, bao gồm các cơ hội đầu tư ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, SCIC đã thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước tại các DN đạt hiệu quả cao. Bán vốn thành công tại 995 DN, bán hết vốn tại 892 DN với doanh thu bán vốn đạt hơn 47 nghìn tỷ đồng trên giá vốn hơn 11 nghìn tỷ đồng. Phần lớn đây là các DN quy mô nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả nhưng kết quả bán vốn thu được gấp 4,2 lần giá vốn.

Các chuyên gia kinh tế thì cho rằng, thời gian tới việc thực hiện cơ cấu hoạt động của các DNNN như thế nào để thực sự gia tăng giá trị cần phải được tính toán kỹ trên cơ sở quy định của pháp luật và các danh mục chi tiết, song quan trọng là hiệu quả đầu tư của DNNN trong bối cảnh hiện nay. Các cơ quan chức năng cho biết, theo tiến độ sang quý II năm nay và đầu quý III tới các hoạt động này sẽ được tập trung đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn tại DN.

Trong đó, vấn đề tồn tại hiện nay trong việc chuyển giao phần vốn nhà nước từ các bộ, ngành, địa phương, DN về SCIC cũng sẽ tiếp tục được rà soát và quyết tâm thực hiện. Đến nay, một số tỉnh cũng đã rà soát và có báo cáo cụ thể tuy nhiên cần có các bước đi chắc chắn.

Ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cho biết, đơn vị rất chú trọng đổi mới cơ chế hoạt động và quản lý với DN mà nhà nước xác định giữ 100% vốn hoặc nắm giữ cổ phần chi phối. Đối với DN này, số lượng còn lại cũng rất ít tuy nhiên cũng được đổi mới sắp xếp để có hiệu quả hơn, trong đó, tập trung vào một số nội dung: nâng cao năng lực quản trị cho DN; học hỏi và áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế; chỉ đạo DN tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng đầu tư đổi mới công nghệ sản phẩm, dịch vụ, từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dịch vụ của DN.

Tuy vậy cũng cần nhìn nhận một tồn tại thực tế từ tiến trình CPH DNNN được thực hiện trong những năm vừa qua là cơ chế giám sát còn chưa đồng bộ. Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cho biết, giai đoạn 2011-2016 tỷ trọng DNNN thua lỗ không giảm. Việc xử lý các dự án DN kém hiệu quả đã có nhiều nỗ lực nhưng phục hồi chậm. Vấn đề đặt ra hiện nay là cơ chế giám sát DNNN hiện chưa hiệu quả.

Vì vậy tới đây việc giám sát có thể chọn lọc để tăng hiệu quả thay vì cùng lúc giám sát tất cả các DNNN như thời gian qua. Đây cũng là lưu ý chung của một số chuyên gia kinh tế nhằm khẳng định và phát huy tốt hơn nữa cải cách DNNN trong bối cảnh phát triển, hội nhập và cạnh tranh hiện nay.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho biết, 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến việc hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, để tạo bứt phá mạnh mẽ trong công tác sắp xếp, cơ cấu lại DNNN và phát triển DN, Phó thủ tướng yêu cầu các đơn vị tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức, quản lý và hoạt động của DN, DNNN, về sắp xếp, CPH, thoái vốn theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo. Cùng với đó là rà soát tình hình triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn đã được phê duyệt để xác định; điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở; triển khai, hoàn thành trong hai năm còn lại của kế hoạch, năm 2019 và 2020.

Đồng thời, hoàn thành việc phê duyệt để triển khai đề án cơ cấu lại các DNNN theo thẩm quyền và quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg; trong đó, cơ cấu lại toàn diện DN để lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với từng DN…

Thái Hương

Tin đọc nhiều